Từ hôm nay, giá dịch vụ y tế tăng
Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%; giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1% trong bối cảnh lương cơ sở tăng lên mức 1.490.000 đồng.
Hôm nay (20-8), Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp và Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực.
Theo đó, nhiều dịch vụ y tế tăng giá. Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (tăng 1.700 đồng); tại bệnh viện hạng II, hạng III và hạng IV, trạm y tế xã lần lượt ở mức là 34.500 đồng, 30.500 đồng và 27.500 đồng, đều tăng 1.500 đồng.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 782.000 đồng/ngày so với mức 753.000 đồng/ngày trước đó. Với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày.
Một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của BHYT cũng được điều chỉnh tăng, như: Giá dịch vụ khám sức khỏe toàn diện, khám sức khỏe lái xe, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa... tăng từ 145.000 đồng lên 160.000 đồng; giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là 450.000 đồng thay vì 420.000 đồng như trước...
Như vậy, giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%; giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính, Bộ Y tế, việc tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng... bởi các đối tượng này được BHYT thanh toán 100%.
Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% nên mức độ tác động không đáng kể. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.