Từ hư vô, Qatar đã tạo nên đội tuyển đẳng cấp World Cup như thế nào?
Với một đất nước chỉ có 300.000 dân bản địa lại không có truyền thống bóng đá, làm thế nào Qatar có thể tạo nên một đội tuyển mạnh mẽ, đủ tự tin tranh tài ở World Cup 2022? Chà, đó thực sự là một kỳ công.
Vào năm 2010, Nam Phi trở thành chủ nhà đầu tiên trong lịch sử World Cup bị loại ngay từ vòng bảng. Cuối năm đó, khi Qatar giành chiến thắng gây sốc trong cuộc đăng cai World Cup 2022, tất cả đều nghĩ rằng họ sẽ trở thành chủ nhà thứ hai không thể tiến vào vòng knock-out.
Thời điểm ấy Qatar đứng thứ 113 trên BXH FIFA. Đất nước này không có truyền thống bóng đá, đơn giản vì người dân thích cricket, loại cricket chơi với bóng tennis. Điều tệ hơn, Qatar hầu như không có khả năng nâng cấp ĐTQG để phù hợp với sân chơi World Cup.
Là quốc gia nhỏ nhất theo diện tích từng đăng cai World Cup, họ cũng chỉ có 1,6 triệu dân, bao gồm 300.000 dân bản địa. Chỉ vài ngàn trong số đó chơi bóng đá. Có vẻ như trong trường hợp này tiền cũng chẳng giúp ích được gì.
Không. Những người sẵn sàng chi ra 200 tỷ USD, với mục đích chính là tạo nên kỳ World Cup khiến cả thế giới phải trầm trồ, nghĩ rằng tiền có thể làm được mọi thứ nếu chi đúng cách.
Cần lưu ý, kế hoạch đăng cai World Cup 2022 đã được lên từ rất lâu, cùng với đó là chiến lược phát triển bóng đá dài hạn. Năm 2005, Học viện Aspire được thành lập theo sắc lệnh của Hoàng gia Qatar. Mọi cầu thủ nhí trông có vẻ hứa hẹn sẽ được đưa tới Aspire Dome, trung tâm huấn luyện có máy lạnh khổng lồ nằm ở phía tây Doha. Các học viên tập luyện, ăn ngủ tại đó, tuân theo một lịch trình được thiết kế riêng và được huấn luyện, giám sát bởi những HLV giỏi nhất thế giới.
Nhưng với dân số ít ỏi, nguồn lực tự nhiên khá hạn chế. Chúng ta biết rằng Qatar không chỉ thừa tiền, mà còn thừa những ý tưởng táo bạo, vượt xa lề lối thông thường. Vì vậy chương trình “Giấc mơ bóng đá” với ngân sách 100 triệu USD được triển khai. Thay vì giới hạn lựa chọn trong 1,6 triệu dân, họ đứng trước thị trường rộng lớn với 4,6 tỷ người.
Dẫn đầu bởi Josep Colomer, người được cho là phát hiện ra Lionel Messi, đội ngũ tuyển trạch viên của Qatar tỏa ra khắp các ngõ ngách ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ nhằm tìm kiếm các tài năng sáng giá. Trên những chiếc xe SUV, đôi khi cần được bảo vệ bởi lính vũ trang, họ lao tới những cánh đồng bụi bặm, các ngôi làng hẻo lánh nhất ở Kenya, Bờ Biển Ngà hay Peru. Sau khi lựa ra 50 đứa trẻ ưng ý, một cuộc sát hạch kéo dài một tuần được tổ chức ngay tại quốc gia của chúng. 3 cái tên tốt nhất sẽ được đưa về Aspire để kiểm tra lần cuối.
Một số người có trí nhớ tốt hẳn chưa quên chương trình “Giấc mơ bóng đá” từng được tổ chức ở Việt Nam năm 2009, và Nguyễn Thái Sung đã giành được tấm vé tới Qatar, sau đó trải qua 3 năm tôi luyện ở Học viện Aspire.
Trong năm đầu triển khai “Giấc mơ bóng đá”, Qatar đã sàng lọc gần 430.000 trẻ em tại 595 địa điểm trên 7 quốc gia châu Phi. 7 năm sau, Aspire khảo hạch 3,5 triệu đứa trẻ trên khắp 3 lục địa. Tuy nhiên quy trình tuyển chọn rất nghiêm ngặt để mỗi năm, không quá 20 người được nhận trên toàn thế giới.
Hưởng mức đãi ngộ không tưởng, sống trong ký túc xá sang trọng tương đương khách sạn 5 sao, bao quanh khuôn viên có mái vòm đa năng lớn nhất thế giới và nghe tiếng chim hót ríu rít cả ngày từ loa, sau đó tập trên các sân bóng tiêu chuẩn FIFA, đầm mình trong hồ bơi Olympic, không khó để thuyết phục các học viên xuất sắc nhất của Aspire nhập quốc tịch Qatar khi trưởng thành. Tất nhiên FIFA không thể phàn nàn gì, bởi họ sống và chơi bóng ở Qatar đủ lâu.
Thành quả đến ngay lập tức. Năm 2014, đội U19 Qatar vô địch giải U19 châu Á với thành phần là những học viên của Học viện Aspire. Song đó mới là những bước đầu. Cần một chặng đường dài để những đứa trẻ ở Aspire sẵn sàng cho ĐTQG. Để chúng có kinh nghiệm thực chiến, Hoàng gia Qatar mua lại KAS Eupen, CLB đang trên bờ vực vỡ nợ và chơi ở hạng dưới của Bỉ. Thay vì chơi bóng ở Qatar, các cầu thủ trẻ được tận hưởng bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu. Nếu phát huy khả năng, họ được phép tới những CLB lớn hơn, trở thành biểu tượng cho mô hình đào tạo ưu việt của Aspire. Bên cạnh đó, tích lũy kinh nghiệm và gia tăng mức độ cạnh tranh khi trở lại đội tuyển.
Ngày 01/02/2019 là dấu mốc huy hoàng, xác tín cho chiến lược đúng đắn mà Qatar theo đuổi. Hôm đó tại UAE, ĐTQG Qatar giành chiến thắng 3-1 trước cường quốc bóng đá Nhật Bản trong trận chung kết Asian Cup 2019. Trên hành trình vô địch họ cũng đánh bại các đại gia châu Á khác, bao gồm Hàn Quốc và Saudi Arabia.
17/23 cầu thủ được đăng ký ở Asian Cup 2019 (7 trong số họ đá chính trận chung kết) là những người được đào tạo bởi Aspire và thuộc diện nhập tịch. Almoez Ali, Vua phá lưới của giải đấu với 9 bàn thắng, là người Sudan. Anh thuộc lứa đầu của Học viện, sau đó được gửi tới KAS Eupen theo đúng quy trình. Khoác áo ĐTQG Qatar từ năm 2016, cho đến nay Ali đã ra sân 74 trận và ghi 39 bàn, nhiều thứ 3 lịch sử đội tuyển nước này.
Hành trình nâng tầm ĐTQG Qatar vẫn chưa kết thúc. Chủ đề “tuyển Qatar sẽ như thế nào tại World Cup 2022” là chủ đề thường xuyên được thảo luận trong các chương trình thể thao ở đất nước có GDP bình quân đầu người cao thứ 4 thế giới (theo số liệu năm 2021). Để học hỏi và tăng kinh nghiệm, Qatar tạo nên lịch trình dày đặc với rất nhiều các trận giao hữu. Họ cũng đưa mình vào nhiều giải đấu nhất có thể.
Là chủ nhà của World Cup 2022, Qatar vẫn tham gia vòng loại (nhưng không tính điểm). Bằng khả năng ngoại giao và các gói tài trợ, họ cũng góp mặt ở… vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, thi đấu với các đội thuộc bảng A dưới hình thức giao hữu. Ngoài ra, Qatar còn trở thành khách mời của Gold Cup 2021 (giải vô địch Bắc, Trung Mỹ và Caribe) và vào đến tận bán kết, cũng như tham dự Copa America 2019.
Thi đấu liên tục và gặt hái không ít thành quả, không ngạc nhiên khi Qatar thăng tiến vũ bão trên BXH FIFA. Từ vị trí 113 vào năm 2010, Qatar nhảy lên thứ 55 năm 2019. Bây giờ họ đang đứng thứ 48, trên Saudi Arabia và chỉ sau Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia ở châu Á. Vậy Qatar sẵn sàng cho World Cup 2022 chưa? Chắc chắn rồi, họ đã sẵn sàng.