Từ 'Hùm xám xứ Bavaria' đến những chú hổ nước Anh
Trên thế giới, nếu những đội bóng lấy hình ảnh sư tử làm biểu tượng nhiều đến cả tá, thì số đội gắn liền tên tuổi của mình với chú hổ lại rất hiếm. Mà xưa nay vẫn vậy, hiếm thường đồng nghĩa với dị biệt.
Với các cổ động viên bóng đá Việt Nam, khi nói đến hình tượng hổ, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến Bayern Munich - đội bóng khổng lồ của nước Đức có biệt danh “Hùm xám”. Theo cắt nghĩa của Wikipedia, “hùm xám” hay cọp xám, hổ xám là một thuật ngữ dùng để mô tả những con hổ có biến đổi về màu sắc bộ lông thành màu xanh xám, không như các cá thể hổ khác. Đại loại, hùm xám là một loài độc lạ, hiếm gặp trên thế giới, là một loài vật kỳ bí và nguy hiểm bậc nhất. Có lẽ vì thế mà người hâm mộ gọi Bayern Munich là “Hùm xám xứ Bavaria”, với sức mạnh vượt trội của họ ở giải vô địch quốc gia Đức hay trên bình diện châu Âu. Về cơ bản, “Hùm xám” không phải phải biệt danh chính thức của Bayern Munich, nhưng nó đã trở nên quen thuộc, mặc định trong suy nghĩ của người hâm mộ Việt Nam mỗi khi nhắc đến câu lạc bộ này.
Kể từ khi ra đời cách đây 122 năm (1900), Bayern Munich đã chất đầy phòng truyền thống câu lạc bộ với 31 chức Vô địch quốc gia (Bundesliga), 20 Cúp quốc gia (DFB Pokal) cùng 6 lần đăng quang ở đấu trường cúp C1/Champions League. Tại Đức, Bayern Munich vô đối về danh hiệu, còn ở châu Âu, họ chỉ xếp sau Real Madrid (13 lần vô địch) và AC Milan (7 lần vô địch). Trong nhiều năm trở lại đây, tại Bundesliga có nhiều thế lực nổi lên như những kẻ thách thức sự thống trị của Bayern Munich như VfL Wolfsburg hay Borussia Dortmund. Tuy nhiên, mỗi lần đụng đội chủ sân Allianz Arena là họ lại “nai gặp hùm”. Ngay cả khi suy yếu nhất, Bayern Munich vẫn rất khó bị “bắt nạt” bởi những đối thủ còn lại. Họ sinh ra như để thống trị vùng đất Bundesliga mà 9 năm liên tiếp vô địch vừa qua là minh chứng sống động.
Tạm chia tay “Hùm xám xứ Bavaria”, chúng ta cùng đến với một đội bóng thậm chí còn lấy hình chú hổ làm biểu tượng là Hull City ở nước Anh. Ban đầu, vì tình cờ có màu áo thi đấu là vàng sọc đen, Hull City được mệnh danh là “The Tigers” (Những chú hổ). Dần dà, hình tượng dũng mãnh và uy lực này được ban lãnh đạo Hull City đưa luôn vào thiết kế logo đội bóng. Hình ảnh đầu hổ được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1970 và cho đến nay vẫn là một biểu tượng không thể thay thế. Vicky Beercock - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Hull City chia sẻ: “Theo phản hồi từ các cổ động viên, điều quan trọng đối với câu lạc bộ là phải làm mọi thứ nhận được sự ủng hộ. Hình tượng con hổ được tạo nên bởi những người yêu mến Hull City và chúng tôi sẽ luôn giữ tinh thần, khí phách ấy theo dòng lịch sử”. Còn Paul Matson, một fan trung thành của Hull nói: “Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng, hình ảnh con hổ rất quan trọng trong lịch sử đội bóng. Ở Anh, nhắc đến Hull là nhắc đến hổ và ngược lại”.
Về mặt nhận diện thì “hổ” là thế, nhưng Hull City trên sân cỏ lại không dũng mãnh và uy lực như vậy. Từng là đội bóng nổi tiếng “cứng đầu cứng cổ” tại Premier League, Hull đã phải xuống hạng vào năm 2017. Từ đó đến nay, đội bóng này chưa bao giờ trở lại với hình ảnh mạnh mẽ nhất của mình. Hull City hiện tại đang vẫy vùng ở vị trí 19/24 ở giải hạng Nhất (Championship). Mục tiêu tươi sáng nhất của “Những chú hổ” lúc này vẫn là tránh việc phải “hóa mèo” (xuống hạng) trước khi nghĩ đến việc trở lại Premier League. Nhiều cổ động viên Hull City hẳn từng tiếc nuối vì nếu đội bóng của họ ngày trước chiêu mộ được “mãnh hổ” Radamel Falcao, một mảnh ghép nghe có vẻ rất hợp trở thành thủ lĩnh, biết đâu mọi chuyện đã khác.
Không giống 2 câu lạc bộ trên, ở Argentina có đội bóng còn mang tên chính thức là “chú hổ”, đó là câu lạc bộ Tigre nằm ở Victoria, Buenos Aires. Trong tiếng Latin, Tigre nghĩa là hổ (tương tự Tiger trong tiếng Anh). Tuy nhiên, phong độ của Tigre lại èo uột như mèo khi mới xuống hạng và đang thi đấu tại Primera Nacional (Giải hạng Nhì của hệ thống bóng đá Argentina).
Đi một vòng khắp thế giới, trở lại Đông Nam Á mới giật mình nhận ra có tới 2 đội mang biệt danh liên quan đến chú hổ, là tuyển Malaysia (Malayan Tiger - Những chú hổ Mã Lai) và tuyển Myanmar (Hổ vàng). Chỉ có điều, hổ ở khu vực này chưa thể xưng hùng xứng bá khi liên tục phải đối đầu với “Rồng vàng” là tuyển Việt Nam hay “Voi chiến”, biệt danh của tuyển Thái Lan.
Khái niệm “hai hổ không thể nhốt chung chuồng” luôn rất phổ biến ở những đội bóng có 2 ngôi sao lớn hoặc nhiều hơn một thủ lĩnh. Ai cũng có có tài năng thiêm bẩm và khả năng làm “nhạc trưởng”, nhưng luôn gặp khó khăn khi cùng thi đấu, điều mà người ta vẫn thường gọi là “giẫm lên chân nhau”. Đó là vấn đề đội tuyển Anh gặp phải ở thời kỳ đỉnh cao của cặp tiền vệ Frank Lampard và Steven Gerrard, là vấn đề của Chelsea với Didier Drogba và Andriy Shevchenko, hay như tuyển Argentina với Sergio Aguero và Gonzalo Higuain, của Câu lạc bộ MU với Bruno Fernandes và Paul Pogba, gần nhất là trường hợp của Man City với Jack Grealish và Raheem Sterling.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-hum-xam-xu-bavaria-den-nhung-chu-ho-nuoc-anh-post496075.antd