Từ Hy Viên để lại gì sau khi qua đời?

Trước khi qua đời, Từ Hy Viên sở hữu nhiều bất động sản có giá trị. Cô cũng được cho là nắm giữ khối tài sản trị giá lên đến hàng trăm triệu USD.

Một trong những vấn đề được quan tâm sau khi Từ Hy Viên qua đời là khối tài sản cô để lại và việc phân chia nó. Không rõ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng theo HK01, Đại S sở hữu nhiều bất động sản lúc sinh thời và tất cả đều ở quận Tín Nghĩa, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc.

Từ Hy Viên sở hữu khối tài sản lớn trước khi qua đời.

Từ Hy Viên sở hữu khối tài sản lớn trước khi qua đời.

Năm 2009, Đại S tậu bất động sản cao cấp đầu tiên, là phòng trưng bày nghệ thuật, có giá trị hiện hành khoảng 200 triệu Đài tệ (6 triệu USD). Nó nằm trong khu dân cư cao cấp, nổi tiếng về sự yên tĩnh, chỉ có khoảng 33 hộ gia đình trong toàn khu.

Đại S mua một ngôi nhà sang trọng khác vào năm 2011, nhưng bán nó với giá 247 triệu Đài tệ (7,49 triệu USD) vào năm 2020.

Năm 2016, nữ diễn viên sinh năm 1976 sở hữu thêm bất động sản, được dùng làm nơi ở, hiện có giá trị 362 triệu Đài tệ (10,97 triệu USD). Có thông tin bất động sản này do chồng cũ Uông Tiểu Phi mua. Tuy nhiên, vì không có hộ khẩu Đài Loan (Trung Quốc), anh dùng tên Đại S để đăng ký quyền sở hữu cho thuận tiện.

Trong khi đó, theo 163, bộ sưu tập hàng xa xỉ và tranh cổ của Từ Hy Viên có giá trị lớn. Người ta tin rằng giá trị ước tính có thể vượt quá 2 tỷ nhân dân tệ (278 triệu USD). Thông tin này chưa được xác thực.

Trên Ettoday, Thụy Doanh Pháp, làm việc tại Công ty Luật Ruiying (Đài Loan, Trung Quốc), do Từ Hy Viên thường trú ở Đài Bắc, việc phân chia tài sản của cô phải căn cứ trên pháp luật Đài Loan (Trung Quốc) để xác định điều kiện và thứ tự thừa kế.

Ông Thụy chỉ ra chồng của Từ Hy Viên, DJ Koo, là người thừa kế hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện này. Nếu Đại S không có di chúc, di sản do nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc và hai người con chưa thành niên cùng thừa kế, mỗi người một phần ba.

Nếu có di chúc, luật pháp bảo vệ quyền thừa kế tối thiểu của người thừa kế, được gọi là “phần chia đặc biệt”. Nếu người thừa kế hợp pháp nhận được ít hơn phần chia đặc biệt, họ có quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Theo quy định, phần dành riêng cho vợ/chồng người đã khuất là một nửa phần của người đó (được chia theo cách thông thường, không có di chúc). Do đó, DJ Koo được nhận 1/6 tài sản của Từ Hy Viên.

DJ Koo là người thừa kế hợp pháp của Từ Hy Viên theo pháp luật Đài Loan (Trung Quốc).

DJ Koo là người thừa kế hợp pháp của Từ Hy Viên theo pháp luật Đài Loan (Trung Quốc).

Theo các nguồn tin, Đại S đã lập di chúc trước khi mất, để lại toàn bộ tài sản cá nhân cho mẹ ruột và hai con. Tuy vậy, DJ vẫn có quyền thừa kế như ông Thụy chỉ ra ở trên.

Tuy nhiên, một số trang tin đồn cho biết Đại S và chồng Hàn Quốc có ký hợp đồng tiền hôn nhân. Ngoài không mang thai và tổ chức đám cưới lớn, thỏa thuận còn nêu ra điều kiện từ bỏ tài sản thừa kế. Nếu thông tin này đúng, DJ Koo không liên quan đến tài sản của Đại S.

Đối với căn biệt thự mà Đại S sống trước khi qua đời, Uông Tiểu Phi từng công khai văn bản công chứng chứng minh anh mua bất động sản này bằng tiền của mình, nhưng do anh không phải người Đài Loan (Trung Quốc) nên để vợ cũ đứng tên.

Uông Tiểu Phi có thể kiện đòi căn biệt thự đắt giá ở Đài Bắc.

Uông Tiểu Phi có thể kiện đòi căn biệt thự đắt giá ở Đài Bắc.

Ông Thụy Doanh Pháp cho biết theo luật pháp Đài Loan, về mặt nguyên tắc, quyền sở hữu bất động sản phải dựa trên việc ai là người đứng tên trên giấy tờ. Tuy nhiên, nếu Uông Tiểu Phi có thể chứng minh bản thân thực sự là chủ đầu tư bất động sản và có thỏa thuận với Từ Hy Viên về việc đăng ký bất động sản đó dưới danh nghĩa cô, anh có thể đệ đơn kiện những người thừa kế của Đại S để yêu cầu trả lại ngôi nhà và đứng tên sở hữu biệt thự thông qua các thủ tục pháp lý.

Trước đó, luật sư Đài Loan Lữ Thu Viễn chỉ ra Uông Tiểu Phi là người giám hộ hợp pháp của 2 con chung với Từ Hy Viên. Do đó, anh có thể quản lý tài sản thừa kế thay mặt cho con mình.

Theo ông Lữ, nếu gia đình Đại S lo lắng về các vấn đề quản lý tài sản, họ có thể yêu cầu lập quỹ tín thác tài sản hoặc giám sát thông qua tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích của cháu họ không bị ảnh hưởng.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-hy-vien-de-lai-gi-sau-khi-qua-doi-post1714233.tpo