Từ kênh rạch, Trần Tấn Triệu vụt sáng trên đường bơi vượt biển
Trần Tấn Triệu không thể ngờ có ngày mình lại vẫy vùng ở đường bơi quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Sinh ra ở miền Tây sông nước, ngay từ nhỏ, Trần Tấn Triệu đã quen với bơi lội. Tuy nhiên, anh không thể ngờ có ngày mình lại vẫy vùng ở đường bơi quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Bơi muốn rụng tay chân
Tại SEA Games 30, Trần Tấn Triệu là một trong số những VĐV đem về HCV cho bơi lội Việt Nam. Đặc biệt ở chỗ, anh dự thi nội dung bơi vượt biển 10km, một nội dung siêu khó, đòi hỏi sức bền và thể lực cực cao. Chia sẻ với chúng tôi, Tấn Triệu cho biết, đến giờ vẫn chưa thể quên được cảm giác sau khi hoàn thành bài thi ở Philippines hồi cuối năm ngoái.
“Phải nói là muốn xỉu. Lúc về đích, lên bục nhận huy chương tôi vẫn gắng gượng được nhưng khi lên xe trở lại làng VĐV thì tôi gần như ngất, chân tay rụng rời, không còn bất kỳ cảm giác nào. Tình trạng như vậy kéo dài khoảng một tiếng tôi mới dần hồi phục và phải một ngày sau tôi mới trở lại được trạng thái bình thường”, kình ngư sinh năm 1998 nhớ lại.
Theo Tấn Triệu, cự ly 10km vốn đã khó nhưng bơi biển càng gian nan hơn bởi sóng lớn, lực cản mạnh và khi bơi lâu, nước biển khiến da bị ngứa. “Tôi chỉ tập ở bể nhưng thi lại ra biển nên có phần bỡ ngỡ. Rất may là nhờ có sự chuẩn bị kỹ nên tôi vẫn thi đấu tốt”, anh chia sẻ.
Kể thêm về quá trình khổ luyện để có tấm HCV SEA Games 30, Tấn Triệu nói: “Ngay từ đầu năm 2019, tôi gần như ngày nào cũng bơi 24km, chia làm hai buổi. Bể trong nhà ngắn, tôi phải quay đầu hàng trăm lần. Nhiều hôm người không được khỏe, tập xong chỉ về phòng nằm vật ra giường chẳng muốn ăn uống gì”.
Theo chuyên gia Đặng Việt Cường, đây cũng là hạn chế của bơi lội Việt Nam khi các VĐV bơi vượt biển không có điều kiện tập luyện chuyên biệt và các giải đấu cọ xát riêng. Mặc dù vậy, ông Cường cũng cho rằng, Tấn Triệu hiện đang là tay bơi vượt biển số 1 Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Nếu giữ được đà này, chắc chắn kình ngư quê Long An sẽ tiếp tục gặt hái thành công tại SEA Games 31.
“Triệu bơi trong nhà thì thua xa Nguyễn Huy Hoàng hay Trần Hưng Nguyên nhưng cậu ấy có nhiều ưu thế để bơi biển, quan trọng hơn cả là sức mạnh và sức bền. Nhưng như tôi nói ở trên, vì còn thiếu điều kiện tập luyện chuyên biệt cùng các giải cọ xát nên cậu ấy khó vươn tầm châu Á”, ông Cường phân tích.
Quay trở lại với Tấn Triệu, anh cho biết, ngay từ 6 - 7 tuổi đã biết bơi và bơi tốt. Hàng ngày, anh cùng các bạn cứ rảnh lại rủ nhau ra con kênh cạnh ấp để bơi, có khi cả nhóm dầm mình dưới nước vài tiếng đồng hồ. “Ở chỗ tôi, có đứa trẻ nào là không biết bơi đâu, miền sông nước mà. Chúng tôi sinh ra đã có máu bơi lội rồi. Chỉ là tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành VĐV chuyên nghiệp, thi đấu quốc tế và giành HCV”, kình như 22 tuổi kể.
Năm 8 tuổi, người cô vốn là HLV bơi lội Trung tâm TDTT Long An phát hiện ra năng khiếu của anh liền thuyết phục gia đình cho anh theo tập môn thể thao này. Bố mẹ anh không tán thành vì lo con vất vả (Triệu là con út trong gia đình có 8 người con). Nhưng vì nể cô nên cuối cùng bố mẹ anh cũng đồng ý.
“Triệu ít nói, ít chia sẻ nên vợ chồng tôi cũng không nắm rõ việc em đi thi SEA Games. Tới khi em giành HCV, bà con chòm xóm nói mới biết. Tôi thấy vui và tự hào vì em nó bơi dữ quá trời, 10km ngoài biển đâu đơn giản. Bà nhà tôi thì cứ lắc đầu nói, bơi vậy lo phát ớn, may mà nó không sao”, ông Lực, bố nhà vô địch SEA Games hào hứng chia sẻ.
Bước ngoặt trước thềm SEA Games
Tấm HCV SEA Games 30 là lần đầu tiên Tấn Triệu chiến thắng ở một giải quốc tế. Trong khi đó, hai đàn em Huy Hoàng, Hưng Nguyên đều gây ấn tượng rất sớm, khi chưa đầy 20 tuổi.
Thực tế, nhà vô địch cự ly bơi 10km góp mặt ở đội tuyển bơi lội Việt Nam từ năm 2012, tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM. Tuy nhiên, anh chủ yếu giành thành tích ở các giải trẻ. Tới năm 2016, Triệu có bước tiến lớn khi giành HCV tại Giải vô địch quốc gia, nội dung 800m, đồng thời phá kỷ lục. Cùng năm đó, anh giành HCĐ nội dung 5km ở BEACH Games 2016 (Đại hội Thể thao bãi biển châu Á).
Những tưởng đây sẽ là tiền đề để chàng trai miền Tây bứt phá nhưng anh đã khựng lại đầy khó hiểu. “Tôi cũng không lý giải được tại sao mình lại bị chững về phong độ. Có thể do tôi chưa toàn tâm toàn ý, cũng có thể mình chưa chọn được hướng đi phù hợp”, anh giãi bày.
Giả thuyết thứ hai xem ra chính xác hơn bởi sau năm 2018, Triệu đã quyết định xin về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ để rèn giũa. Tại đây, dưới sự chỉ bảo của chuyên gia Trung Quốc Hoàng Quốc Huy, chàng trai trẻ trưởng thành vượt bậc về các chỉ số chuyên môn. Tuy nhiên, mấu chốt giúp anh tỏa sáng phải là quyết định điều chỉnh cự ly sở trường.
Từ chỗ chỉ bơi cự ly trung bình và dài, anh được hướng sang bơi đường trường. Như cá gặp nước, anh phát huy được hết tiềm năng ở nội dung mới và vọt lên trở thành niềm hy vọng vàng ở SEA Games 30. Thực tế, khi thi đấu, anh về đích bỏ xa các đối thủ còn lại. Ông Hoàng Quốc Huy cho biết, trước ngày lên đường sang Philippines ông đã dự đoán được Triệu sẽ “có vàng” và đúng ở ngày cuối môn bơi, cậu học trò mới không làm ông thất vọng.
Nói về người thày giúp mình lột xác, Triệu cho rằng, nếu không có thày Huy thì không có anh như ngày hôm nay. “Thày uốn nắn cho tôi từng kỹ thuật sao cho chuẩn nhất, bơi tiết kiệm sức lực nhất. Bên cạnh đó, thày cũng rất nghiêm khắc, buộc tôi phải vào khuôn khổ, nỗ lực hết mình. Ở SEA Games vừa rồi, cả tôi và hai em Hoàng, Nguyên đều giành HCV, thày bảo đó là niềm vui lớn nhất, cách trả ơn ý nghĩa nhất với thày”, Tấn Triệu nói về người thày.
Vài nét về kình ngư Trần Tấn Triệu
- Sinh năm 1998; Quê quán: Xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
- Năm 2008, vào Đội Năng khiếu bơi Long An.
- Năm 2012, được biên chế vào đội tuyển bơi lội Việt Nam.
- Năm 2016, đoạt HCĐ cự ly 5km tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016. HCV, phá kỷ lục quốc gia tại Giải Vô địch quốc gia cự ly 800m.
- Năm 2017, đoạt HCB SEA Games 29 nội dung tiếp sức 4x200m tại Malaysia.
- Năm 2019, đoạt HCV SEA Games 30 nội dung bơi biển 10km tại Philippines.