Từ kho vũ khí mới của Trung Quốc đến thế thống trị quân sự của Mỹ

Qua cuộc biểu dương năng lực quân sự nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước ngày 1-10, các nhà phân tích quân sự cho rằng kho vũ khí tiên tiến của Trung Quốc có khả năng thách thức sức mạnh quân đội Mỹ trong mấy thập kỷ tới.

Sự kiện trên đã cho Bắc Kinh cơ hội vàng để giới thiệu các loại vũ khí mới và một loạt công nghệ quân sự khác làm nổi bật ngân sách quốc phòng ngày càng tăng cũng như kế hoạch dài hạn của quốc gia này nhằm giảm ưu thế của Mỹ ở châu Á và những nơi khác nữa.

Các nhà phân tích đánh giá đây là một lời cảnh báo rõ ràng đối với phương Tây và một dấu hiệu cho thấy tiến bộ quân sự của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh - đã đến lúc Bắc Kinh có khả năng đối đầu với Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận một sự thật khó chịu rằng sức mạnh không nghi ngờ của Mỹ có thể sẽ lùi vào quá khứ.

Sự phô diễn năng lực quân sự của Trung Quốc khiến giới phân tích e ngại. Ảnh: AP

Sự phô diễn năng lực quân sự của Trung Quốc khiến giới phân tích e ngại. Ảnh: AP

"Về cơ bản, chúng ta không còn ở trong thời kỳ Mỹ thống trị áp đảo mà là thời kỳ các lực lượng vũ trang của chúng ta đang thích nghi để chiến đấu chống lại các đối thủ ngang hàng đang phô diễn các khả năng ngày càng tinh vi" - ông Randall G. Schriver , trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương, phát biểu tại Viện Brookings ở Washington chỉ vài giờ sau cuộc diễu binh của Trung Quốc.

Đối với các nhà quan sát quân sự phương Tây, cuộc diễu binh rầm rộ vừa qua cho dư luận thế giới có cái nhìn đầu tiên về một số loại vũ khí nguy hiểm nhất của Trung Quốc và chú ý đến những cách Trung Quốc qua mặt Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ.

Một trong những vũ khí đáng sợ nhất được giới thiệu là tên lửa đạn đạo DF-17, một hệ thống vũ khí siêu thanh được cho là có khả năng tránh được hầu như tất cả mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại. Vũ khí siêu thanh này di chuyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần so với âm thanh và các nhà phân tích quốc phòng đồng ý rằng Trung Quốc đi trước Mỹ trong việc phát triển các vũ khí siêu nhanh như vậy.

Theo các phương tiện truyền thông, Trung Quốc cũng đã tung ra tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm và một loạt máy bay, phương tiện mặt đất, đánh chặn tên lửa và các vũ khí khác.

Giới phân tích quân sự phương Tây và các nhà hoạch định Lầu Năm Góc cũng lần đầu tiên nhìn thấy tên lửa hành trình siêu thanh mới CJ-100 của Trung Quốc.

Bất chấp những chỉ trích dữ dội từ Mỹ và một số đối thủ trong khu vực của Trung Quốc, những bình luận công khai của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy niềm tin ngày càng tăng của ông rằng quốc gia này có thể cạnh tranh với Mỹ về quân sự ở Thái Bình Dương.

Trên thực tế, một số vũ khí của Trung Quốc dường như được thiết kế rõ ràng cho một cuộc xung đột với quân đội Mỹ. Chẳng hạn, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc trình làng máy bay ném bom H-6N tầm xa, hoàn toàn có khả năng nhắm vào lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bắc Kinh cũng đã trình diễn tên lửa DF-26, được biết đến với tên gọi "tên lửa sát thủ ở đảo Guam" vì khả năng dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng trên đảo.

Theo báo The Washington Times, mặc dù Trung Quốc còn lâu mới đạt được tầm cỡ toàn cầu của quân đội Mỹ nhưng đã có những lo ngại thực sự rằng các lực lượng của họ ngang hàng với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Một nghiên cứu hồi tháng 8 của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Trường Đại học Sydney (Úc) đã kết luận rằng quân đội Trung Quốc hiện có khả năng tiến hành các cuộc tấn công có thể bẻ gãy hệ thống phòng thủ của Mỹ trong vài giờ.

Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn cho rằng Mỹ còn có thể tự bảo vệ mình, lãnh thổ của mình và binh sĩ của mình trên khắp thế giới.

Hoài Vy (Theo The Washington Times)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tu-kho-vu-khi-moi-cua-trung-quoc-den-the-thong-tri-quan-su-cua-my-2019100216351353.htm