Từ khoa học đến thực tiễn

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) đối với sự phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ... Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Từ những mô hình

“Mục sở thị” các vườn mẫu trên vùng gò đồi xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa), chúng tôi ngỡ ngàng bởi thôn xóm xanh mát, đẹp như tranh vẽ. Trên diện tích đất 0,8ha ở thôn Đồng Tâm, từ tháng 5/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đã thực hiện trồng 400 cây ăn quả, gồm cam, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, thanh long ruột đỏ.

Quá trình chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đề ra, các loại cây ăn quả có tỷ lệ sống đạt 100% và phát triển tốt. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật luôn theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây giống để có sự điều chỉnh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Đến nay, đã hiện diện một vườn cây ăn quả trên vùng gò đồi thôn Đồng Tâm với quy mô bài bản, hiệu quả cao, góp phần tạo diện mạo làng quê thêm đẹp với gam màu xanh mát.

Vườn mẫu ở thôn Đồng Tâm, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).

Vườn mẫu ở thôn Đồng Tâm, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).

Cùng thôn Đồng Tâm còn có vườn của gia đình ông Lê Trung Thành, đã đạt chuẩn vườn mẫu trong năm 2023, được đầu tư công phu từ ngoài ngõ đến từng gốc cây, ao hồ...

“Vốn là vườn nhà với một số ít cây ăn quả, hoa màu, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn vay vốn, quy hoạch vườn tạp và tiến hành đào ao, tạo mặt bằng trồng cây, tăng gia sản xuất… Hơn 3ha vườn tạp được kiến thiết lại nay đã đạt chuẩn vườn mẫu với 600 cây cam, 400 cây bưởi da xanh, 200 cây ổi, 100 cây mít...

Ngoài ra, tận dụng lợi thế đất đai, gia đình còn thả nuôi gần 200 con gà, 1.000m2 diện tích mặt hồ nuôi cá, trồng nhiều loại rau để cung cấp thực phẩm cho gia đình và bán ra thị trường hàng ngày. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 6 tấn cam, hơn 1 tấn ổi và saboche, 1.000 quả bưởi da xanh và các nguồn thu khác từ cá, gà, bò…, đem lại nguồn thu nhập ổn định với lãi ròng khoảng 300 triệu đồng/năm”, ông Lê Trung Thành chia sẻ.

Được biết, công nghệ ứng dụng vào sản xuất của mô hình vườn mẫu nhà ông Lê Trung Thành là một vòng tuần hoàn khép kín; các sản phẩm từ cây trồng đều được chăm bón bằng phân hữu cơ; vật nuôi từ nguồn thóc, ngô và cỏ… nên bảo đảm chất lượng. Hàng ngày, từ nguồn nước ao cá, ông Thành bơm tưới cho cây và tận dụng cỏ trong vườn làm thức ăn cho cá, bò; trên mặt ao cá, bố trí giàn để các loại mướp, bầu, bí… phát triển, vừa để tăng thu nhập cho gia đình, vừa che mát cho cá những ngày nắng nóng; chất thải từ bò, gà thì làm phân bón cho các cây trồng trong vườn. “Làm vườn mẫu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo thêm không gian xanh, làm đẹp cho vườn nhà mình và cả xóm làng”, ông Thành khẳng định.

Toàn huyện Tuyên Hóa hiện xây dựng được 14 vườn mẫu và phấn đấu xây dựng thêm 5 vườn mẫu trong năm 2024. Huyện Lệ Thủy hiện có 44 vườn mẫu được công nhận theo bộ tiêu chí của tỉnh và phấn đấu mỗi năm tăng từ 5-10 vườn mẫu...

Ở các địa phương, trước khi phấn đấu xây dựng vườn mẫu theo quy cách, nhiều bà con nông dân cũng tận dụng lợi thế về đất đai, ứng dụng công nghệ cao để trồng cây ăn quả, cây lưu niên phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho thu nhập cao.

Ông Trần Văn Hiến, ở thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Trồng, chăm sóc, chứng kiến vườn cam ngày càng phát triển, phủ xanh mát một vùng gò đồi, tôi mới hiểu được giá trị của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Được hỗ trợ sản xuất trồng thử nghiệm giống cam Vũ Quang nhằm tiến tới triển khai nhân rộng, góp phần duy trì nguồn gen quý bản địa, tôi thấy hiệu quả khá rõ nét. 550 gốc cam trên diện tích 1ha đất gò đồi, đến nay đã cho thu hoạch vụ thứ 9, với quả to, mọng nước, vị ngọt thanh dễ sử dụng, được khách hàng tin dùng và mua với giá cao. Đến mùa thu hoạch, với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, vườn cam là nguồn thu bảo đảm kinh tế cho gia đình tôi”.

Lan tỏa nhiều “bức tranh” từ vườn mẫu

“Để động viên, hỗ trợ bà con trên địa bàn xây dựng vườn mẫu, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là giúp các vùng quê thay đổi diện mạo, xây dựng nông thôn mới, ban đầu, huyện hỗ trợ cho mỗi vườn 50 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện cũng hỗ trợ bà con trong quá trình triển khai thực hiện, như góp ý về thiết kế, quy hoạch, phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, số vườn mẫu trên địa bàn ngày càng tăng dần”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết.

Còn theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân, thì 44 vườn kiểu mẫu của Lệ Thủy được công nhận theo bộ tiêu chí của tỉnh, tập trung ở các xã: Xuân Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Cam Thủy, Liên Thủy… cũng chứng minh hiệu quả kinh tế cao rõ rệt.

Riêng các vườn hộ ở các xã vùng giữa, như: Xuân Thủy, Liên Thủy… tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng đã được quan tâm xây dựng góp phần cải tạo vườn tạp, xây dựng cảnh quan môi trường xung quanh và được nhân dân tích cực hưởng ứng vì một cuộc sống xanh. Với tiềm năng vốn có, Lệ Thủy có thể còn tăng nhanh và nhiều hơn số vườn mẫu trong nay mai.

Sản phẩm được sản xuất hữu cơ từ vườn mẫu.

Sản phẩm được sản xuất hữu cơ từ vườn mẫu.

Có thể nhận thấy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ ở các địa phương trong tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hình thành tư duy sản xuất mới của nông dân, nâng cao mức sống của người dân nói chung và đặc biệt là diện mạo nông thôn đổi thay, tươi đẹp từng ngày.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam cho biết, để đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát, xây dựng, lồng ghép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; đặc biệt xây dựng nhiều thêm các vườn mẫu, vườn cây ăn quả... hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh và lan tỏa các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất... Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp...

Hương Trà

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202408/tu-khoa-hoc-den-thuc-tien-2220002/