Từ 'không khí đóng hộp' núi Phú Sĩ nghĩ đến tiềm năng dưỡng khí núi Côn Sơn

'Hộp không khí núi Phú Sĩ' là một gợi ý cho người Chí Linh và Hải Dương ta có thể sáng tạo ra cách thức để khẳng định và vinh danh quảng bá đặc sản khí núi Côn Sơn.

Du khách tham quan Côn Sơn

Du khách tham quan Côn Sơn

Người Nhật có “Hộp không khí núi Phú Sĩ” - một biểu tượng về thành tựu giữ gìn bảo vệ thiên nhiên, không gian sinh tồn của đất nước mặt trời mọc.

Món quà biểu tượng

Tôi rất ngạc nhiên, thán phục tài kinh doanh và quảng bá du lịch của người Nhật khi cầm trên tay một chiếc hộp tròn, dẹt bằng kim khí, cỡ như hộp vải thiều của ta ngày nào, rất nhẹ, mặt hộp vẽ hình mấy đứa trẻ với hàng chữ bằng tiếng Nhật và tiếng Anh: Hộp không khí núi Phú Sĩ. Trên sạp hàng bày la liệt các món đồ lưu niệm, các loại bánh kẹo, nho, táo, trồng ở địa phương thì không khí cũng được đóng hộp bày bán và cũng là một đặc sản của núi Phú Sĩ, giá 100 yên (hơn 20.000 đồng tiền Việt). Ban đầu tôi nghĩ người ta dùng công nghệ thu hút và nén không khí trong lành để hít thở như dạng bình dưỡng khí y tế. Nhưng khi thấy chiếc hộp nhẹ như trống rỗng, phẳng lỳ không có khóa hay núm mở, thì chợt hiểu ra đây là món quà có giá trị biểu tượng về môi trường sinh thái của núi Phú Sĩ và cũng là biểu tượng về thành tựu giữ gìn bảo vệ thiên nhiên, không gian sinh tồn của đất nước mặt trời mọc.

Nhớ lại vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, nước Nhật bước vào thời kỳ công nghiệp hóa ồ ạt, kinh tế phát triển nóng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, không khí, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Thủ đô Tokyo đông dân và bị ô nhiễm vào loại hàng đầu thế giới. Nước Nhật đã trải qua một quá trình đầu tư và hành động kiên trì, quyết liệt nhằm phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái, để trở thành cường quốc thứ ba của thế giới. Thành công về phục hồi môi trường cũng đạt những thành tựu to lớn.

Núi Phú Sĩ thuộc tỉnh Kawaguchi, cách Thủ đô Tokyo gần 200 km về phía tây nam, được hình thành từ núi lửa phun trào qua nhiều giai đoạn, lần cuối vào năm 1707-1708. Núi cao 3.776 m, đường kính chân núi khoảng 80 km, đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng, được ví như một nữ hoàng kiều diễm đội mũ trắng ẩn hiện trong mây.

Núi Phú Sĩ là biểu tượng hùng vĩ và thiêng liêng với truyền thuyết về các vị thần linh, là thắng cảnh bậc nhất của Nhật Bản. Người Nhật ai cũng ước ao ít nhất được một lần trong đời lên núi Phú Sĩ. Đường lên núi mùa xuân tràn ngập hoa anh đào, mùa đông rừng thông đỏ đổi màu rực rỡ. Theo chị hướng dẫn viên du lịch người Nhật, dân bản địa xa xưa là tộc người thiểu số Ainu. Họ có tục lệ người già sống lâu thì lên núi chết theo cách điểu táng (trả thân xác về tự nhiên, hiến xác cho chim ăn). Câu chuyện cổ tích thương tâm kể người mẹ già nằm trong cái rọ được con cõng trên lưng lên núi. Vừa đi trong đêm bà vừa tụng kinh và hát những lời ru con thuở nhỏ. Khi vào rừng sâu núi cao, đến chỗ nghe tiếng chim quạ kêu thì bảo con đặt xuống, thả mẹ xuống vực và dặn con một điều cấm kỵ trở về không được ngoái lại nhìn!

Theo chị hướng dẫn viên du lịch, cách trạm dừng cuối của khách du lịch không xa cũng có một hẻm vực mà người ta thường tìm đến để tự vẫn vì tin nơi này là chốn thiêng có thần linh chờ đón các linh hồn giải thoát về thế giới bên kia. Nhưng chỗ này đã được san ủi lấp đi và xây tường chắn, cảnh báo. Hôm ấy, trời mưa to và rất lạnh, gió quất mạnh khiến chúng tôi dừng xe là chạy thật nhanh vào trạm nghỉ ở độ cao khoảng 2.000 m. Những người ở đây chắc họ đi bộ từ chân núi từ sớm, trong khi trên đường vẫn nối tiếp người Nhật leo núi. Dường như có nguồn năng lượng của núi thiêng tiếp sức để họ khẳng định ý chí của bản thân, vượt qua thách thức. Cả đàn ông và phụ nữ, họ trùm áo mưa kín người, tay chống cây gậy bằng gỗ thông, đầu gậy nào cũng đeo một chùm quả chuông nhỏ reo trong mưa nghe rất vui tai.

Đặc sản khí núi Côn Sơn

Trong bài "Chí Linh - tựa vào thế núi Côn Sơn mà phát triển" đăng báo Hải Dương Xuân Canh Tý, tôi có đề cập đến yếu tố phong thủy tâm linh của hệ thống di tích văn hóa - lịch sử của Chí Linh đều là những điểm tụ khí. Từ nhiều thế kỷ trước, các thiền sư, các nhà khoa bảng danh tiếng đã lựa chọn làm nơi tu hành và di dưỡng tinh thần núi Côn Sơn, bởi vậy nơi đây hẳn là một trung tâm đặc biệt. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hồ Tiên Sơn được cải tạo, mở rộng khiến phong cảnh Côn Sơn càng thêm thoáng đãng và thơ mộng. Phía đông hồ là khu nhà khách của Tỉnh ủy, phía tây là Khách sạn Công đoàn đều có kiến trúc hài hòa, đẹp mắt. Tiếc rằng theo đà giảm dần của kinh phí bao cấp thì hoạt động thu hút khách nghỉ cũng vắng vẻ theo. Trong khi chùa Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi thì vẫn quanh năm sầm uất, tấp nập lễ bái hội hè. Người người về đây để cầu tài cầu lộc, ồn ã trong khói hương và khói đốt vàng mã. Người dành thời gian và sức lực để leo mấy trăm bậc lên đỉnh Bàn Cờ Tiên hay lên đỉnh Ngũ Nhạc không nhiều. Cũng chẳng mấy khi thấy bạn bè rủ nhau dạo chơi trong rừng thông ba lá hay lưu lại nghỉ ngơi bên hồ. Trong khi gió ngàn thông đêm ngày vẫn hào phóng cùng với hương thơm của bãi rễ thanh hao và hoa rừng hòa trộn. Đây là sự lãng phí rất lớn không thể tính đếm bằng tiền bạc trong khi lá phổi của chúng ta ở thành phố hay làng quê nhiều nơi vẫn phải hít thở bầu không khí ô nhiễm đến mức báo động.

Chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào về giá trị dưỡng khí của gió rừng thông Côn Sơn, một tài nguyên vô hình nhưng rất quý báu. Được biết võ sư Bùi Long Thành từ trong Nam đã từng về đây bỏ tiền dựng nhà lán để mở lớp dưỡng sinh. Sau đó, câu lạc bộ dưỡng sinh do bà Phạm Thị Dung ở TP Hải Dương làm chủ nhiệm đã nhiều lần tổ chức lên núi Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc tọa thiền và tập luyện.

Chuyện người Nhật đóng hộp không khí ở núi Phú Sĩ để vinh danh và quảng bá du lịch với khách bốn phương xin là một gợi ý cho người Chí Linh và Hải Dương có thể sáng tạo ra cách thức nhằm khẳng định và vinh danh quảng bá đặc sản khí núi Côn Sơn. Tại sao không?

NGUYỄN PHÚC LAI

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/tu-khong-khi-dong-hop-nui-phu-si-nghi-den-tiem-nang-duong-khi-nui-con-son-158757