Tự kiểm điểm vì chậm triển khai thu phí không dừng

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) tại các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, dự án này liên tục 'trễ hẹn' với nhiều 'uẩn khúc'.

Chính phủ yêu cầu hệ thống ETC đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Chính phủ yêu cầu hệ thống ETC đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Lãnh đạo bộ và 30 cá nhân bị kiểm điểm

Báo cáo của Bộ GTVT về tình hình triển khai dự án ETC giai đoạn một (BOO1) do Công ty VETC đầu tư, cần lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại 44 trạm. Nó bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay 40 trong số 44 trạm đã vận hành, còn một số trạm trên các tuyến cao tốc chưa triển khai do thiếu vốn.

Dự án ETC giai đoạn 2 (BOO2) gồm 33 trạm. Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và lựa chọn liên danh nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn do vướng quy định và liên danh các nhà đầu tư chưa thống nhất tỉ lệ góp vốn, không thành lập được doanh nghiệp dự án. Hiện còn 7/19 trạm BOT do địa phương quản lý chưa hoàn thành.

Lý giải việc chậm trễ, Bộ GTVT cho rằng hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh. Các hợp đồng BOT đã ký trước đây với doanh nghiệp (đầu tư đường cao tốc) không có chủ trương áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Do vậy, để triển khai ETC thì các hợp đồng này cần ký thêm phụ lục. Quá trình đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng phát sinh nhiều vướng mắc. Quy trình chọn nhà đầu tư dự án thu phí phức tạp, riêng việc đấu thầu chọn nhà đầu tư BOO2 mất 10 tháng.

Cùng với đó, nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính, dẫn đến hạng mục thu phí không dừng cũng không đạt. Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, quá trình tham mưu ban hành chính sách còn thiếu sót.

Liên quan đến dự án ETC mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức 3 cuộc họp rà soát, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống ETC. Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT và 30 cá nhân khác đã tự kiểm điểm trách nhiệm liên quan.

Bài toán quyền lợi vênh nhau

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án BOO2 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai hệ thống ETC, bảo đảm đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020. Bộ GTVT cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xử lý tình huống trong đấu thầu đối với Dự án BOO2 trong điều kiện có sự thay đổi tỷ lệ tham gia vốn của các bên trong liên danh.

Trước đó, tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ GTVT đã mời Liên danh Nhà đầu tư họp để có ý kiến cuối cùng về tỷ lệ góp vốn trong DNDA giữa các thành viên trong Liên danh Nhà đầu tư. Tại cuộc họp, Viettel có ý kiến chi đồng thuận tiếp tục thực hiện dự án khi được giữ tỷ lệ 65% cổ phần trong DNDA theo ý kiến của Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Viettel có toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình triển khai dự án.

Tuy nhiên, ý kiến của Viettel không được các nhà đầu tư khác đồng thuận. Do vậy, các bên thống nhất dừng việc thành lập DNDA và không tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Căn cứ vào đó, Bộ GTVT đã dừng việc triển khai dự án thu phí không dừng vướng mắc do xung đột lợi ích giữa các bên liên quan. Doanh nghiệp BOT cho rằng, mức phí họ phải trả cho phía cung cấp dịch vụ là cao và chưa có căn cứ. Hơn nữa, tiền thu phí bị đọng tại đơn vị ETC nên doanh nghiệp BOT không mặn mà triển khai, thời gian đàm phán kéo dài.

Thông tin với Báo GD&TĐ ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc triển khai ETC là một chủ trương đúng. “Khách hàng bên vận tải có ý kiến rằng, khi thực hiện chủ trương này họ phải nộp vào tài khoản một số tiền để trừ dần. Khách hàng chỉ 1 phương tiện thì số tiền không lớn. Nhưng đối với khách hàng là đơn vị vận tải, kinh doanh với hàng trăm xe ô tô thì phải nộp vào số tiền rất lớn, khiến khó khăn với doanh nghiệp.

Khách hàng là đơn vị vận tải, doanh nghiệp cho rằng, khi nộp trước như vậy Nhà nước nên có chính sách giảm mức phí. Bởi việc áp dụng công nghệ cao vào thực hiện thu phí thì chi phí tổ chức thu cũng giảm”, ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng cho biết, nhà đầu tư thắc mắc về tỷ lệ phần trăm nhà cung ứng dịch vụ ETC được hưởng phải thông qua hình thức đấu thầu. “Mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và nhà thu phí qua dự án ETC phải được làm rõ. Đó là tỷ lệ phần trăm nhà thu phí không dừng được hưởng. Tiền nộp vào nhà thu phí không dừng sau bao lâu thì được chuyển cho nhà đầu tư. Đề nghị toàn bộ số phí thu được kể cả làn xe đang thu phí theo hình thức công nghệ hiện đại phải chuyển hết vào nhà cung cấp dịch vụ thu tự động không dừng…”, ông Quyền nói hộ ý kiến của một số nhà đầu tư.

Còn đại diện Ban Quản lý bảo trì và khai thác quốc lộ 5 (nhà đầu tư BOT - PV), cho biết, đơn vị triển khai 2 trạm thực hiện ETC trên quốc lộ 5.

“Việc thực hiện thu phí không dừng giúp xe lưu thông nhanh, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lượng xe sử dụng hình thức ETC rất hạn chế chỉ rơi vào khoảng 700 - 800 xe/ngày…”, đại diện Ban Quản lý bảo trì và khai thác quốc lộ 5 thông tin.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tu-kiem-diem-vi-cham-trien-khai-thu-phi-khong-dung-20200509083538764.html