Từ kỳ quan công nghệ đến cây cầu tử thần ở Ấn Độ

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra sau khi cây cầu nổi tiếng ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, bị sập khiến 141 người thiệt mạng.

Nỗi kinh hoàng vẫn ám ảnh người dân ở thị trấn Morbi, sau một trong những thảm kịch tồi tệ nhất ở Ấn Độ xảy ra vào tối 30/10. Thảm họa ập đến chỉ 5 ngày sau khi cây cầu 137 năm tuổi được tu sửa. Điều gì đã xảy ra?

BBC đã tìm đến những người sống sót sau thảm họa, đội phản ứng đầu tiên, các nhà báo và quan chức địa phương để xâu chuỗi các sự việc dẫn đến thảm kịch này.

Trong đó, người dân địa phương và các nhà báo đổ lỗi cho công ty vận hành cây cầu. Cảnh sát và chính quyền địa phương cũng không thể trốn tránh trách nhiệm.

Vài phút trước thảm họa

Khoảng 18h30 ngày 30/10, Mahesh Chavda và hai người bạn đã mua vé và bước lên cây cầu treo ở thị trấn Morbi.

Cây cầu được trang web du lịch của bang mô tả là một "kỳ quan công nghệ" thú hút nhiều khách tham quan. Đây cũng là địa điểm yêu thích của Chavda kể từ khi anh còn là một đứa trẻ.

Bắc qua sông Machchu, với chiều dài 230 m, cây cầu nối Cung điện Darbargarh và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lakhdhirji. Người dân địa phương cho biết cây cầu được xây dựng lần đầu vào những năm 1880.

“Tôi từng đến thăm cây cầu cùng bố mẹ. Trong vài năm qua, tôi cũng thường đến đó vào chủ nhật hàng tuần cùng bạn bè”, Mahesh kể lại.

Anh rất "phấn khích" khi nghe tin cây cầu đã mở cửa trở lại sau khoảng thời gian sửa chữa và nhanh chóng cùng bạn bè đến địa điểm ưa thích. Nhưng vài ngày sau thảm họa, Mahesh đang ngồi trên giường bệnh với chấn thương ở cổ. Anh nói rằng khi đến gần cây cầu, họ có thể thấy nó đã quá đông đúc.

"Chúng tôi nghĩ nên đợi một chút nhưng nhân viên soát vé nói chúng tôi phải đi tiếp. Cây cầu đã sập ngay khi chúng tôi bước lên", anh chia sẻ.

Mahesh và những người bạn của anh rơi xuống sông. Cả ba đều bị thương nhưng vẫn sống sót. Song 140 người khác đã thiệt mạng, bao gồm 6 thành viên trong cùng một gia đình với nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi, theo NDTV.

 Người dân tập trung gần cây cầu khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót. Ảnh: Reuters.

Người dân tập trung gần cây cầu khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót. Ảnh: Reuters.

Nhiều người đang đặt câu hỏi làm thế nào một thảm kịch quy mô lớn như thế này lại có thể xảy ra, và tại sao nó không được ngăn chặn?

Cây cầu mở cửa đón công chúng từ ngày 26/10. Trước đó một ngày, Jaysukh Bhai Patel, chủ sở hữu tập đoàn Oreva - công ty ký hợp đồng bảo trì và vận hành cây cầu từ năm 2008, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng công việc cải tạo đã tiêu tốn 20 triệu rupee (242.000 USD).

"Sẽ không có gì xảy ra với cây cầu trong 8-10 năm tới. Và nếu nó được sử dụng một cách có trách nhiệm, cây cầu sẽ không cần sửa chữa trong 15 năm", tờ Times of India dẫn lời ông Patel.

Kể từ vụ việc hôm 30/10, cảnh sát đã bắt giữ 9 người có liên quan đến tập đoàn Oreva - bao gồm 2 quản lý, 2 nhân viên soát vé, 2 nhà thầu và 3 nhân viên bảo vệ. Họ đang bị điều tra về tội vô ý giết người.

Tại cuộc họp báo hôm 2/11, công tố viên HS Panchal cũng cho biết 2 nhà thầu mà công ty thuê sửa chữa "không đủ tư cách".

Theo báo cáo từ nhân viên điều tra, sàn cầu đã được thay thế trong thời gian sửa chữa, nhưng dây cáp thì không. Những dây cáp cũ này không thể chịu được trọng lượng của sàn cầu mới. Trong khi đó, một sĩ quan cảnh sát cũng nói rằng dây cáp đã bị "rỉ sét" - và thảm kịch có thể bị ngăn chặn nếu chúng được thay kịp thời.

Trước những cáo buộc này, một trong những bị cáo đã đổ lỗi vụ sập cầu là "ý trời", theo NDTV.

“Sự việc không may mắn như vậy xảy ra là do ý trời”, ông Deepak Parekh, một trong những quản lý của công ty Oreva có nhiệm vụ bảo dưỡng cây cầu, nói với thẩm phán.

Đầu tuần này, một phát ngôn viên của công ty cũng nói với Indian Express rằng có quá nhiều người đứng ở đoạn giữa cây cầu vào thời điểm vụ việc xảy ra, trong đó một số người cố gắng khiến cầu lắc lư.

Ngoài những sai lầm trong việc sửa chữa cây cầu, tập đoàn Oreva cũng bị cáo buộc về những sai sót khác, chẳng hạn chưa được chính quyền cấp phép vận hành cây cầu. Cảnh sát trưởng thành phố Sandipsinh Zala nói với phóng viên rằng Oreva chưa được cấp chứng chỉ an toàn trước khi vận hành cây cầu trở lại.

Trong khi đó, nhiều người cũng đặt nghi vấn tại sao một công ty nổi tiếng với việc sản xuất đồng hồ lại được phép vận hành một cây cầu.

Về vấn đề này, cảnh sát trưởng Zala không trả lời cuộc gọi từ BBC, nhưng một trợ lý văn phòng của ông tiết lộ tập đoàn Oreva lần đầu giành được hợp đồng vận hành cây cầu từ chính quyền địa phương vào năm 2008.

“Và ông Zala vừa gia hạn hợp đồng đó vào tháng 3”, trợ lý này nói thêm. BBC đã xem một bản sao hợp đồng có thời hạn 15 năm, kéo dài đến tháng 3/2037. Hợp đồng quy định việc bảo trì và an ninh là trách nhiệm của công ty, và tiền bán vé do công ty thu giữ.

Ai là bên có lỗi?

Theo các nhân chứng ở Morbi, nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu là số lượng người được phép lên cầu cùng lúc. Hầu hết người dân nói rằng cây cầu chỉ chịu được tối đa 100-150 người, nhưng nhiều nhân chứng ước tính có tới 500 người trên cầu vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Pravin Vyas, một nhà báo và là cư dân lâu năm của Morbi sống gần cây cầu, cho biết anh chưa bao giờ thấy địa điểm này đông đúc như vậy.

"Ban quản lý có trách nhiệm kiểm tra bao nhiêu người được phép lên cầu để đảm bảo an toàn. Nhưng việc cho phép nhiều người hơn để thu phí vào cửa sẽ có lợi", ông nói thêm.

 Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Nội vụ Gujarat Harsh Sanghavi đến hiện trường vụ việc vào ngày 1/11. Ảnh: Indian Express/Nirmal Harindran.

Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Nội vụ Gujarat Harsh Sanghavi đến hiện trường vụ việc vào ngày 1/11. Ảnh: Indian Express/Nirmal Harindran.

Ông Vyas cũng chỉ trích chính quyền địa phương và cảnh sát không thể chối bỏ trách nhiệm. "Có hàng nghìn người đến cây cầu mỗi ngày kể từ khi nó mở cửa trở lại, vì vậy, chính quyền không thể nói họ không biết (cây cầu đã vận hành) vì Oreva không xin phép họ".

Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi vì sao một khu vực thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch mỗi ngày lại thiếu biện pháp an toàn để đối phó với tình huống khẩn cấp? Vì sao không có cảnh sát, thợ lặn và thuyền ở gần đó?

Song chính quyền địa phương khẳng định việc đảm bảo an toàn cho du khách là trách nhiệm của công ty.

Quan chức cấp cao NK Muchhar nói với BBC rằng ông tự hào về cách họ phản ứng nhanh chóng trong thảm họa và chiến dịch cứu hộ đã cứu sống nhiều người. "Chúng tôi có thợ lặn, vận động viên bơi lội, dây thừng, thuyền và dịch vụ cứu hỏa đến đây trong 10 phút", ông nói.

Tuy nhiên, nhiều nhân chứng chỉ ra rằng thiệt hại thực tế sẽ lớn hơn nhiều nếu không có những người hỗ trợ đầu tiên, bao gồm người dân địa phương và một nhóm lao động đang xây dựng một ngôi đền trên bờ sông, trong đó có Niranjan Das.

“Chúng tôi thấy mọi người bám vào các mảnh sàn cầu. Chúng tôi đã cứu được 8 người và trục vớt hàng chục thi thể”, ông Das nói.

Đồng nghiệp của ông Das, Parbat Govind, cũng tham gia hoạt động cứu hộ và bị thương.

“Những vết thương đó sẽ lành lại. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã chứng kiến ngày hôm đó. Chúng tôi không bao giờ có thể quên được những tiếng hét đó", ông Govind chia sẻ.

Khoảnh khắc cầu treo rung lắc trước thảm kịch ở Ấn Độ Camera tại hiện trường đã ghi lại khoảnh khắc cây cầu treo ở bang Gujarat, Ấn Độ đổ sập vào hôm 30/10, khiến ít nhất 141 người thiệt mạng.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-ky-quan-cong-nghe-den-cay-cau-tu-than-o-an-do-post1372081.html