Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm 'đẹp' nhưng...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 kết thúc. Sau gần 10 năm tổ chức kỳ thi '2 trong 1' - vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về tính hợp lý và hiệu quả của mô hình này.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 kết thúc. Sau gần 10 năm tổ chức kỳ thi “2 trong 1” - vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về tính hợp lý và hiệu quả của mô hình này.

Chiều 15-7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Phổ điểm được đánh giá là đẹp nhưng không nên chỉ dừng lại ở đó, mà cần có sự phân tích sâu hơn.

Phổ điểm “đẹp” cần gắn với năm tiêu chí: Phản ánh đúng mục tiêu kỳ thi; không gây bất công cho thí sinh các vùng khó khăn; không triệt tiêu động lực học thật, dạy thật; phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực; đáp ứng các yêu cầu về khả năng đánh giá năng lực, độ tin cậy cao (nếu thi lại thì điểm không dao động mạnh), kết quả có thể sử dụng để ra quyết định phù hợp (xét tốt nghiệp, đặt nguyện vọng ĐH…).

Tôi cho rằng phổ điểm môn tiếng Anh nhìn qua thì có vẻ đẹp - phân phối cân đối, hình chuông rõ nét. Nhưng khi đi vào bản chất, tôi không khỏi băn khoăn: Điểm trung bình chỉ đạt 5,38 điểm cùng với đó là gần 40% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Đối với môn toán, phổ điểm lệch trái mạnh, điểm trung bình là 4,78, đặc biệt số lượng thí sinh từ 0 đến 4 điểm tăng đột biến, cho thấy đề thi gây khó khăn nghiêm trọng với học sinh trung bình - yếu.

Trong khi đó, môn vật lý đạt trung bình tới 6,99 điểm, hóa học là 6,06 điểm, lịch sử và địa lý lần lượt là 6,52 và 6,63 điểm. Rõ ràng các môn này “dễ thở” hơn hẳn về mặt điểm số.

Như vậy, với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, phổ điểm thi năm 2025 khiến nhiều học sinh khó đạt chuẩn tốt nghiệp (điểm trung bình môn toán quá thấp). Còn với mục tiêu xét tuyển sinh ĐH, đề thi năm 2025 khó phân hóa được năng lực học sinh khá - giỏi, bởi điểm bị dồn vào vùng 4-6 điểm và rất ít học sinh đạt từ 8 điểm trở lên.

Bên cạnh đó, phổ điểm thi cũng đặt ra một bài toán lớn: Cùng học lực, cùng nỗ lực nhưng nếu chọn nhầm môn thi thì kết quả có thể chênh lệch tới 1-1,5 điểm. Với cơ chế xét tuyển ĐH chủ yếu dựa vào điểm thi, đây là một bất công “ẩn” mà rất nhiều thí sinh không nhìn thấy được.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi: “Trong số gần 40% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, có bao nhiêu em đến từ vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ?”. Nếu những vùng đó chiếm tỉ trọng lớn thì rõ ràng kỳ thi này đang làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thay vì thu hẹp nó.

Không những thế, khi tỉ lệ học sinh dưới trung bình quá cao, đặc biệt ở môn mang tính nền tảng như tiếng Anh, điều đó dễ dẫn đến một hiệu ứng ngược, đó là học sinh sẽ nản, càng ngại học ngoại ngữ, nhất là ở những vùng điều kiện vốn đã khó khăn.

Trong thời gian tới, rất cần đổi mới quyết liệt chính sách thi cử và kỹ thuật ra đề. Đặc biệt chú trọng kỳ thi 2 trong 1, rất cần đội ngũ ra đề phải thực sự chuyên nghiệp, sao cho nội dung đề thi được chia ra nội dung nào dành cho đánh giá chuẩn của tốt nghiệp THPT, phần nào dành cho xét tuyển ĐH. Muốn thế, rất cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm đề và chuẩn hóa bằng cách thử nghiệm khách quan trên diện rộng để không có đề dễ quá hay khó quá.

Về phía nhà trường và giáo viên, cần tập trung dạy học sinh tư duy giải quyết vấn đề, gắn tri thức với thực tế xã hội và cuộc sống. Mục tiêu là giúp các em phát triển năng lực toàn diện, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết - vì chính lợi ích lâu dài của người học.
Về phía phụ huynh, cần thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ về việc học và thi. Tâm lý học chỉ vì điểm số trong các kỳ thi sẽ dẫn đến áp lực học thêm triền miên, trong khi chính năng lực thực chất mới là hành trang bền vững theo suốt cuộc đời con em mình trong thế kỷ này.
Giáo dục cần đổi mới theo hướng giảm thiểu tình trạng dạy và học "vị thi cử". Chỉ khi đó, chúng ta mới góp phần xây dựng một nền giáo dục thực sự giàu tính nhân bản, vì sự phát triển toàn diện của con người.

TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT).

TS HOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT)

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-pho-diem-dep-nhung-post860729.html