Tự lái xe xuyên Việt về quê đón Tết cần chuẩn bị chi phí thế nào?
Nếu tính tổng chi phí, tự lái xe xuyên Việt tốn kém hơn khá nhiều so với việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa...
Tự lái xe để về quê đón Tết là lựa chọn của không ít người trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này không chỉ giúp chủ động thời gian hơn mà còn mang đến những trải nghiệm độc đáo, đặc biệt là với những người quyết định chạy xe hàng trăm, hàng nghìn km để về quê với gia đình.
Bên cạnh việc giữ sức khỏe cũng như tinh thần tốt, lái xe xuyên Việt cũng cần một khoản chi phí nhất định. Dưới đây là những chi phí cần chuẩn bị cho một chuyến đi xuyên Việt từ TP.HCM đến TP Hà Nội với quãng đường gần 1.700 km.
Chi phí nhiên liệu
Nhiên liệu là yếu tố đầu tiên phải nhắc đến khi nói về những chuyến đi bằng ôtô, xe máy. Tùy theo dòng xe sử dụng, chi phí nhiên liệu sẽ có sự chênh lệch từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Anh Vũ Ngọc Bách, người vừa hoàn thành chuyến đi xuyên Việt trong 11 ngày, chia sẻ chi phí đổ xăng cho chiếc VinFast Lux A2.0 đi từ TP.HCM đến TP Hà Nội khoảng 2 triệu đồng. Nếu đi những dòng xe động cơ nhỏ hơn thì chi phí sẽ giảm, và ngược lại.
Giá xăng sẽ có sự chênh lệch tùy theo khu vực, tuy nhiên mức chênh lệch này không đáng kể, chỉ khoảng vài trăm đồng cho mỗi lít. Chẳng hạn như xăng RON 95-V tại TP.HCM có giá 22.700 đồng/lít, trong khi đó ở khu vực như Khánh Hòa, Quảng Trị, Nghệ An... giá bán của xăng RON 95-V là 23.150 đồng/lít.
Chi phí cầu, đường
Khác với xe 2 bánh, ôtô và các phương tiện xe cơ giới phải tốn thêm chi phí khi di chuyển qua các trạm thu phí trên quốc lộ hay cao tốc. Tùy theo tuyến đường lựa chọn, khoản chi phí cho phí cầu, đường sẽ có sự thay đổi.
Tuyến đường tối ưu nhất từ TP.HCM đến TP Hà Nội sẽ đi qua 18 trạm thu phí, tổng chi phí là 955.000 đồng.
Nếu muốn tiết kiệm khoản chi phí này, người dùng có thể lựa chọn các tuyến đường tránh trạm thu phí, hầu hết ứng dụng bản đồ đều đã có tính năng này.
Cần lưu ý những tuyến đường tránh trạm thu phí thường sẽ dài hơn, đồng nghĩa thời gian di chuyển đến đích sẽ lâu hơn.
Chi phí ăn uống, nghỉ ngơi
Sau một khoảng thời gian lái xe liên tục, người lái sẽ cần dừng lại ăn uống để lấy lại năng lượng, giúp việc điều khiển xe trở nên an toàn hơn. Nếu ăn uống bình thường, các trạm dừng nghỉ dọc quốc lộ hay trên cao tốc đã có thể đáp ứng được nhu cầu với chi phí một bữa ăn khoảng 100.000 đồng/người. Tuy nhiên nếu lựa chọn ăn ở các quán đặc sản từng vùng, con số này sẽ tăng lên.
Di chuyển từ TP.HCM đến TP Hà Nội nếu đi thong thả cần nghỉ qua đêm ít nhất một lần, lúc này sẽ tốn thêm chi phí cho việc lưu trú. Tùy theo khu vực cũng như loại hình dịch vụ lưu trú, chi phí nghỉ ngơi một đêm dao động từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài chục triệu đồng.
Các chi phí phát sinh
Ngoài các chi phí kể trên, lái xe xuyên Việt cũng cần chuẩn bị thêm một khoản tiền nhất định để dành cho các chi phí phát sinh bất chợt trong chuyến đi.
Đối với phương tiện, chi phí phát sinh dễ gặp nhất liên quan đến lốp xe, bộ phận này dễ hỏng do điều kiện mặt đường kém hoặc cán phải dị vật. Hầu hết trường hợp lốp bị đâm thủng đều có thể vá và tiếp tục di chuyển, tuy nhiên trong trường hợp lốp bị vật nhọn chém rách phần hông thì phải thay lốp mới, chi phí thay lốp dao động tỉ lệ thuận với kích cỡ lốp cũng như la-zăng.
Ngoài ra, các chi phí phát sinh khác trong chuyến đi có thể kể đến như phí gửi xe, trải nghiệm các dịch vụ tại điểm dừng chân, y tế...
Để đảm bảo an toàn, không nên mang quá nhiều tiền mặt, thay vào đó là sử dụng thẻ ngân hàng, hầu hết cửa hàng ở các đô thị lớn đều chấp thanh toán không cần tiền mặt.
Như vậy chi phí cho một chuyến "về quê ăn Tết" từ nam ra bắc tốn ít nhất 4 triệu đồng và sẽ nhiều hơn nếu có các phát sinh trên đường. Để tối ưu chi phí, bạn nên tuân thủ tốc độ giới hạn trên từng đoạn đường, đồng thời lưu ý các lỗi khác có thể gặp phải như chạy sai làn đường, dừng đỗ sai quy định hay không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.