Tự làm thiết bị đào tạo: Sự sáng tạo không giới hạn

Tự làm thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp là một hoạt động rất ý nghĩa và có giá trị. Bằng trí tuệ, niềm đam mê và sự sáng tạo không giới hạn của các nhà giáo đã cho ra đời những thiết bị không chỉ giúp các cơ sở đào tạo tiết kiệm đáng kể nguồn chi phí để thực hành mà còn giúp học sinh, sinh viên tiệm cận được với những công nghệ tiên tiến nhất, sẵn sàng bắt nhịp và đáp ứng tốt yêu cầu công việc ngay từ khi mới ra trường…

Tự làm thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp là một hoạt động rất ý nghĩa và có giá trị.

Tự làm thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp là một hoạt động rất ý nghĩa và có giá trị.

Thiết bị "Mô hình hệ thống điều hòa không khí tự động 2 vùng độc lập trên xe Toyota Camry" ra đời sau hơn 1 năm nghiên cứu, chế tạo của nhóm tác giả gồm 6 thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Để chế tạo ra thiết bị có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí, trong thời gian tự làm thiết bị, nhóm tác giả đã không ngừng sáng tạo, nhiều lần thay đổi, điều chỉnh để tạo ra một thiết bị có đầy đủ các tiêu chuẩn như: kích thước phù hợp; lựa chọn các mô đun hợp lý; mô hình vừa đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mĩ và tính kinh tế. Cùng với đó, nhóm cũng biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng có kèm các bài tập thực hành, nội dung trong chương trình nghề Công nghệ ô tô, phục vụ giảng dạy trên máy tính và là tài liệu tham khảo cho các nghề khác có liên quan.

Giới thiệu về thiết bị này, đại diện cho nhóm tác giả, thầy giáo Nguyễn Ngọc Giang, Khoa Công nghệ ô tô cho biết: Mô hình được thiết kế hoàn toàn khác với các mô hình đã làm trước đó, đảm bảo tiện lợi và sử dụng lâu dài. Thiết bị này còn có thể tích hợp để giảng dạy các mô-đun chuyên môn nghề Công nghệ ô tô như: Mô đun "Bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống điều hòa không khí trên xe ô tô"; Mô đun "Kiểm tra và sửa chữa PAN ô tô"; Mô đun "Chẩn đoán trạng thái kỹ thuật ô tô"...

Mô hình giảng dạy này đã được Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình áp dụng vào giảng dạy từ năm học 2020-2021 và cho thấy nhiều điểm ưu việt về sự hiện đại và sát với thực tế hiện nay. Với việc tự thiết kế và chế tạo thiết bị đào tạo không những giúp cho nhà trường giảm được chi phí đáng kể trong mua sắm thiết bị mà còn nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho giáo viên. Đồng thời, tạo ra phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Nhóm tác giả Vũ Xuân Thủy, Vũ Văn Dũng và Phạm Hoài Anh, Khoa Điện tử, tự động hóa, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô mang đến Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh mô hình "Mạch điều khiển thiết bị điện từ xa".

Các nhà giáo trình bày mô hình tại Hội thi tự làm thiết bị đào tạo năm 2022.

Với mục tiêu vừa kết hợp các phương pháp dạy học, các bài học và các bài thực hành sát với thực tế sản xuất để có thể phát huy được tính sáng tạo của học sinh, sinh viên, nhóm tác giả đã cho ra đời mô hình "Mạch điều khiển thiết bị điện từ xa" mô phỏng lại một hệ thống tự động có trong thực tế. Mô hình là sự kết hợp của nhiều kỹ năng: điều khiển lập trình, lắp đặt điện, đo kiểm tra chất lượng linh kiện, thiết kế chế tạo mạch điện tử… là những kỹ năng quan trọng đối với học sinh, sinh viên nghề. Khi được thực hành với mô hình này, học sinh, sinh viên có thể phát huy tư duy sáng tạo, liên kết được kiến thức của các môn học lại với nhau, từ đó nâng cao được kĩ năng nghề, khi ra trường sẽ tự tin và hoàn thành tốt công việc mà mình đảm nhận.

Thầy giáo Lê Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh đi thực tế. Thậm chí, ngay cả được đi thực tế thì học sinh cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành do yêu cầu nghiêm ngặt của đơn vị thực tập. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề cho học sinh thực hành rất khó bởi kinh phí cao. Thậm chí, có tiền cũng khó mua được những thiết bị phù hợp với chương trình dạy nghề của mỗi đơn vị và bắt kịp sự thay đổi của công nghệ.

Bởi vậy, những người trực tiếp giảng dạy chính là nhân tố cốt lõi trong việc cải tiến, sáng tạo ra những thiết bị phù hợp nhất với thực tế đào tạo. Từ nhiều năm nay, nhà trường thường xuyên phát động phong trào tự làm các thiết bị dạy nghề. Phong trào được duy trì và phát động hàng năm, trở thành sân chơi lý thú cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Nhiều mô hình, thiết bị có tính ứng dụng cao đã được đưa vào giảng dạy và nhà trường cũng lựa chọn nhiều mô hình đi thi toàn quốc và đã đạt giải thưởng cao.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh năm 2022 khẳng định: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm là sân chơi trí tuệ hấp dẫn, là cơ hội để mỗi nhà giáo thể hiện sức sáng tạo bền bỉ và ngày càng thu hút sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2022 đã thu hút tác giả, nhóm tác giả đến từ 5 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh, với 14 thiết bị dự thi, tăng 2 trường so với lần đầu tổ chức vào năm 2019.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, không những tăng về số thiết bị, số đơn vị dự thi mà các thiết bị ở hội thi lần này cũng phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị. Từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp và tập trung ở các nghề: Điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, cơ khí chế tạo… Các thiết bị tham gia hội thi đều có tính ứng dụng cao, áp dụng tốt trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học viên, trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tu-lam-thiet-bi-dao-tao-su-sang-tao-khong-gioi-han/d20220704155525698.htm