Tự lắp ổ cứng mạng thay cho Google Drive

Ngoài các dịch vụ đám mây quen thuộc, ổ cứng mạng (NAS) là giải pháp tiết kiệm, an toàn khi nhu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng tăng lên.

Giá các dịch vụ đám mây ngày càng tăng, trong khi nhu cầu lưu trữ gần như không giới hạn. Tôi nhiều lần phải nâng cấp gói Google Drive trong những năm gần đây, đi kèm với đó là mức chi phí cộng thêm đáng kể.

Gần đây, tôi tìm đến NAS như một công cụ thay thế, với mức chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng không cần trả phí hàng tháng. Nó sở hữu điểm mạnh của cloud nhưng rẻ và mạnh hơn trong một số trường hợp.

Vấn đề với đám mây

Khi khai thác, làm việc trên thiết bị điện tử, dữ liệu là thứ sinh ra liên tục. Trải qua nhiều lần mất các file, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc lưu trữ tập tin cá nhân. Giải pháp được chọn trước đây là đám mây Google Drive, với độ an toàn cao, có thể sử dụng trên đa dạng thiết bị.

Tuy nhiên sau thời gian dài sử dụng, tôi nhận ra nhu cầu lưu trữ của mình càng tăng lên. Trong đó, lượng lớn hình ảnh, video lưu trên Photos mà Google tính phí từ 2021 chiếm phần lớn. Đây cũng là lý do bản thân phải mua gói cloud của hãng này, khi không có phương tiện khác để lưu ảnh.

Giải pháp đám mây nhiều ưu điểm, nhưng mức chi phí trả theo tháng ngày càng cao.

Giải pháp đám mây nhiều ưu điểm, nhưng mức chi phí trả theo tháng ngày càng cao.

Bắt đầu trả tiền từ gói 100 GB, hiện tôi đã nâng lên mức 2 TB để đảm bảo các dịch vụ khác của Google, như Gmail có thể hoạt động liền mạch. Ngoài ra, hai người thân khác chung nhà, cũng đang phải mua các gói lưu trữ tương đương, với chi phí hàng năm tổng cộng khoản hơn 8 triệu đồng. Đây là con số không rẻ, chỉ cho mục đích lưu trữ dữ liệu.

Độ tin cậy cao, gần như không thể mất file, có thể truy cập ở bất kỳ đâu là điểm mạnh của các dịch vụ như Dropbox, Google One hay iCloud. Tuy nhiên, những giải pháp này đều hoạt động dựa trên Internet. Trong các giai đoạn đứt cáp quang quốc tế, dịch vụ đình trệ, việc tiếp cận tập tin sẽ gặp vấn đề.

Ngoài ra với Google Drive, nền tảng tự động nén file khi người dùng tải số lượng lớn. Đôi khi, thời gian xử lý kéo dài nhiều giờ, ảnh hưởng đến tốc độ làm việc.

“Đám mây cá nhân”

Sau thời gian tìm hiểu, tôi quyết định lắp ổ cứng mạng (NAS). Model được chọn là mẫu Synology mã DS224+ có hai khe ổ cứng. Về lý thuyết, đây là một chiếc máy tính với các chi tiết như CPU, RAM, bo mạch chủ và các cổng kết nối. Khi hoạt động, nó sẽ kết nối trực tiếp vào mạng Internet tại gia.

Tuy nhiên, những linh kiện bên trong được thiết kế, tinh chỉnh để vận hành liên tục, bởi NAS gần như chạy 24/7.

Máy NAS có kết cấu đơn giản, gồm bo mạch và ổ cứng. Ảnh: Xuân Sang.

Máy NAS có kết cấu đơn giản, gồm bo mạch và ổ cứng. Ảnh: Xuân Sang.

Hệ thống cho phép làm việc, sao chép tập tin bằng cổng vật lý, LAN, mạng nội bộ hay hoàn toàn qua Internet. Ở trường hợp cuối cùng, NAS như một đám mây nội bộ mà người dùng có thể truy cập từ bất kỳ đâu.

Với mục đích dùng cho gia đình, với 3-5 người sử dụng, số thiết bị khoảng 10 máy, tôi được tư vấn giải pháp hai ổ cứng. Mỗi HDD có dung lượng 4 TB, tổng 8 TB để lưu trữ. Đây là mức thoải mái để bản thân có thể sử dụng trong vài năm nữa.

Tổng chi phí cho hệ thống này là 15 triệu đồng, tương đương khoảng 2 năm cả gia đình mua gói đám mây. Tuy chi phí ban đầu lớn, tôi có thể tiết kiệm khi dùng lâu dài, chủ động quản lý được dữ liệu bản thân. Ngoài ra, tôi và người nhà có thể tiết kiệm khi mua máy tính, điện thoại về sau khi chỉ cần lựa bản bộ nhớ thấp.

Sử dụng thực tế, đa số thời gian NAS được vận hành qua mạng nội bộ. Thông qua phần mềm được thiết lập sẵn, tôi có thể hẹn lịch để hệ thống tự động sao lưu các tập tin trong thư mục được chọn. Vì chạy qua WAN, tốc độ xử lý thường rất nhanh. Tôi trực tiếp lấy file lúc cần, trực tiếp trong Finder trên MacOS hoặc File Explorer của Windows.

Những tập ảnh, văn bản, bảng tính có thể được mở trực tiếp trên máy tính. Ngay cả tác vụ video, tôi có thể dựng video bằng cách kéo file từ NAS bỏ vào phần mềm chuyên dụng để dựng phim. Điều kiện là tập ở định dạng nén như MP4 hoặc được Proxy. Cơ bản khi thiết bị đầu cuối và NAS chung một mạng Wi-Fi, tôi có thể truy xuất file như khi chúng nằm nay trên máy, đương nhiên là tốc độ thấp hơn nhưng không đáng kể với dung lượng vừa phải.

Ngoài điều kiện lý tưởng nêu trên, khi kết nối qua Internet, tốc độ sẽ phụ thuộc vào mạng tại gia và thiết bị đầu cuối. Tại setup tôi đang sử dụng, tốc độ tải về ở mức khoảng 15-20 MB/s. Đây là con số tương đương Google Drive tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó vẫn được giữ ngay cả khi đường truyền quốc tế gặp vấn đề.

Nhược điểm của hệ thống này là khi tôi truy xuất từ ngoài nước, tốc độ sẽ rất chậm vì khoảng cách địa lý.

Lưu ý khi dùng NAS

Như đã đề cập ở trên, ổ cứng mạng thực tế là một bộ PC với các linh kiện tương đối bình thường. Người dùng hoàn toàn có thể tự lắp với kết quả gần tương tự với hướng dẫn DIY trên YouTube. Tuy nhiên, chúng thường phức tạp về mặt phần mềm để thiết lập.

Lý do tôi chọn ổ của Synology bởi hãng này được đánh giá cao về mặt hệ điều hành, giao diện dễ sử dụng. Ngoài ra, hệ thống ứng dụng cũng đa dạng để đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại. Tôi dễ dàng đồng bộ file trên máy tính vào NAS theo lịch, đưa ảnh từ điện thoại lên ổ cứng từ xa hay cấp quyền, chia dung lượng cho người khác sử dụng bằng một vài thao tác.

NAS có thể được khai thác cho nhiều tác vụ ngoài lưu trữ. Ảnh: Xuân Sang.

NAS có thể được khai thác cho nhiều tác vụ ngoài lưu trữ. Ảnh: Xuân Sang.

Synology cũng cung cấp gói giải pháp trọn bộ gồm cả các phần mềm văn phòng, thay thế G Suite hay Microsoft 365.

Mặt khác, vì NAS hoạt động dựa trên đường truyền mạng, nên một gói tốc độ cao sẽ giúp khả năng truy xuất tốt hơn. Trong hệ thống này, một router Wi-Fi băng thông rộng chuẩn mới sẽ tăng tốc việc chuyển file trên mạng nội bộ.

Đồng thời, người dùng cũng có thể thiết lập các chuẩn RAID trên NAS Synology, để tối ưu hóa nhu cầu. Trong đó, RAID0 giúp tăng tốc độ đọc ghi, nhưng phải hi sinh khả năng bảo vệ dữ liệu. RAID1 an toàn hơn, yêu cầu hai ổ cùng dung lượng để tạo file backup, ít dung lượng hơn.

Ổ cứng trong hệ thống này cũng nên là loại chuyên dụng, vì phải hoạt động thường xuyên.

NAS dành cho ai?

Model Synology DS224+ mà tôi chọn là giải pháp khá cơ bản, khởi điểm trong các dòng NAS hiện hành. Tuy nhiên, mức độ đầu tư ban đầu cũng đã tương đương 2-3 năm mua các gói cloud dung lượng cao. Do vậy, người dùng chỉ có nhu cầu lưu trữ thấp, hiện dùng các gói Google Drive hoặc iCloud dưới 100 GB mà vẫn đủ, NAS sẽ dư thừa, chưa kinh tế.

Ngược lại, nhóm khách hàng làm việc trong mảng sáng tạo nội dung, quay chụp, studio, cần lưu file dung lượng lớn, NAS sẽ giúp tiết kiệm đáng kể. Hệ thống này gần như không có giới hạn về dung lượng, tài khoản người dùng. Do vậy, khách hàng có thể tùy chọn mức dung lượng phù hợp để đầu tư. Theo kinh nghiệm cá nhân, lượng lưu trữ càng nhiều, NAS càng kinh tế khi so với đám mây.

Đổi lại, mức độ an toàn dữ liệu của các hệ thống NAS phụ thuộc vào người dùng thiết lập, chất lượng linh kiện. Nó vẫn thấp hơn các dịch vụ cloud lớn như Google, Dropbox hay iCloud. Khi đầu tư hệ thống, người dùng nên tìm thương hiệu lớn, linh kiện chất lượng để đảm bảo lâu dài.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-lap-o-cung-mang-thay-cho-google-drive-post1495411.html