Tư lệnh Hải quân Đức từ chức sau bình luận về Nga
Phó Đô đốc Kay-Achim Schoenbach, Tư lệnh Hải quân Đức, đã từ chức sau khi hứng chỉ trích vì những phát biểu của ông về Nga.
"Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht miễn nhiệm chức vụ của mình ngay lập tức, và yêu cầu này đã được Bộ trưởng chấp nhận", Phó Đô đốc Schoenbach cho biết trong một tuyên bố hôm 22/1, theo hãng thông tấn Reuters. "Tôi xem nước đi này (từ chức) là cần thiết để ngăn chặn thêm tổn thất đối với Hải quân Đức, các lực lượng Đức, và đặc biệt là Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức".
Trước đó, phát biểu bằng tiếng Anh tại một cuộc thảo luận với nhóm chuyên gia Ấn Độ tại New Delhi hôm 21/1, ông Schoenbach đã đưa ra một số quan điểm được cho là gây tranh cãi về Nga và Ukraina. Bộ Quốc phòng Đức sau đó đã công khai chỉ trích những nhận xét của ông Schoenbach, đồng thời khẳng định chúng không phản ánh quan điểm nào của Đức "cả về nội dung lẫn cách lựa chọn ngôn từ”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraina hôm 22/1 đã triệu tập Đại sứ Đức để phản đối những phát biểu của ông Schoenbach, và tuyên bố những bình luận này có thể gây tổn hại đến những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm căng thẳng tình hình.
"Ukraina biết ơn Đức vì sự hỗ trợ mà họ đã cung cấp kể từ năm 2014, cũng như những nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột vũ trang Nga-Ukraina. Tuy nhiên, những tuyên bố hiện tại từ phía Đức đã gây thất vọng và đi ngược lại với sự hỗ trợ và nỗ lực đó", Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tuyên bố trên Twitter.
Ông Schoenbach đã đăng thông điệp cáo lỗi lên Twitter, nói rằng ông “lẽ ra không nên làm theo cách đó” và mô tả nhận xét của mình là một “sai lầm rõ ràng, không cần phải ngụy biện”.
Bình luận của người đứng đầu lực lượng hải quân Đức được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang leo thang trong thời gian gần đây. Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraina, với lo ngại nước này có thể tấn công quốc gia láng giềng. Phía Nga đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên, và khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây nước này hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.