Tư lệnh Hiến binh Campuchia ca ngợi thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình

Truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam - một dân tộc cần cù, chịu thương chịu khó, yêu chuộng hòa bình và luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia - là một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới Đại thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam.

Đó là nhận định của Đại tướng Sao Sokha - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hiến binh, Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), xoay quanh sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đại tướng Sao Sokha, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hiến binh, Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Đại tướng Sao Sokha, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hiến binh, Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Đại tướng Sao Sokha chân thành chúc mừng Việt Nam - quốc gia láng giềng bạn bè anh em của Campuchia, nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, mở ra cơ hội để Việt Nam hôm nay tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.

Nửa thế kỷ qua, khúc ca khải hoàn về Đại thắng lịch sử 30/4/1975 được giới nghiên cứu xác định xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự và ngoại giao tài tình, tranh thủ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam; cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Campuchia.

Chia sẻ quan điểm trên, Đại tướng Sao Sokha nhận định trước nhất chính là vai trò mở đường, dẫn dắt của Lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là vai trò quan trọng chủ chốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai, là truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc cần cù, chịu thương chịu khó, yêu chuộng hòa bình và luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Ông nêu rõ: “Cuộc đấu tranh đó thể hiện chân lý lịch sử là ở đâu có xâm lược, ở đó luôn có phong trào nổi dậy, đấu tranh. Về đạo lý, cuộc đấu tranh của Việt Nam là cuộc đấu tranh để sinh tồn, để trường tồn nên nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có sự đóng góp của nhân dân Campuchia”.

Theo Đại tướng Sao Sokha, cuộc chiến kết thúc cách đây nửa thế kỷ có liên quan tới Campuchia và nhân dân nước này cũng đã góp phần cung cấp địa bàn, lương thực... Chính phủ Campuchia lúc bấy giờ đã tạo điều kiện để lực lượng cách mạng Việt Nam có thể tiếp nhận viện trợ, phục vụ cung ứng hậu cần, tạo thuận lợi cho công cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tiến tới thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975.

Trên tinh thần đó, theo Phó Tổng Tư lệnh RCAF, không riêng gì các quốc gia láng giềng Việt Nam, các nước lớn có liên quan cũng vui mừng, phấn khởi và ủng hộ sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng 30/4 lịch sử của Việt Nam. Ông chia sẻ: “Chúng tôi phấn khởi, vui mừng và cho rằng chiến thắng này có đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ hòa bình nói chung”.

Từ góc nhìn đó, Đại tướng Sao Sokha cho rằng chiến thắng 30/4 còn thể hiện vai trò, vị thế của đất nước Việt Nam. Theo ông, trước đây lãnh thổ Việt Nam được bên ngoài sử dụng làm chiến trường, là nơi để các cường quốc cạnh tranh hệ tư tưởng, cạnh tranh chính trị và thử nghiệm vũ khí. Tuy nhiên, đất nước Việt Nam hôm nay đã trở thành nơi hội tụ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam hôm nay đã giữ một vai trò quan trọng, trở thành nơi hòa giải, giải quyết các vấn đề mà thế giới đang đối mặt”.

Trong hoạt động diễu binh, diễu hành trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, RCAF và Quân đội Nhân dân Lào cùng hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Việt Nam tham gia diễu binh. Trong đó, đoàn Campuchia có 119 quân nhân thuộc Bộ Tư lệnh Hiến binh.

Chia sẻ về sự góp mặt của các hạ sĩ quan thuộc biên chế Lực lượng Hiến binh Campuchia trong đoàn diễu binh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tướng Sao Sokha khẳng định đó là một vinh dự to lớn. Ông cho rằng việc tổ chức diễu binh quy mô lớn và mời quân đội các nước cùng tham gia diễu binh không chỉ là một hoạt động đối ngoại, mà còn thể hiện thông điệp chính trị quan trọng của quốc gia láng giềng, qua đó khẳng định sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhân dân và đất nước Việt Nam.

Huỳnh Thảo - Quang Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tu-lenh-hien-binh-campuchia-ca-ngoi-thang-loi-cua-mot-dan-toc-yeu-chuong-hoa-binh-20250430202942742.htm