Vừa qua Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố cho biết, trung đoàn tên lửa chiến lược đầu tiên được trang bị vũ khí siêu vượt âm mang tên Avangard đã chính thức làm nhiệm vụ trực chiến.
Phần chiến đấu của Avangard được xem như một dạng đầu đạn hạt nhân đặc biệt có độ cơ động cực cao, nó vẫn được phóng đi bằng tên lửa đẩy thông thường, khi lên tới tầng cao của khí quyển mới tách ra rồi thực hiện đường bay linh hoạt tiếp cận mục tiêu.
Đây chính là điểm đặc biệt nhất của tên lửa mang đầu đạn dạng tàu lượn siêu vượt âm như Avangard, khác biệt hoàn toàn với các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thông thường.
Tính năng đáng chú ý nhất của đầu đạn tên lửa thông thường đó là hầu như nó chỉ dựa vào tốc độ cực cao (lên tới Mach 8 - 10) để vượt qua hàng rào phòng thủ.
Một số loại đầu đạn tiên tiến được tích hợp thêm khả năng thay đổi quỹ đạo trong khi bay nhằm vô hiệu hóa thuật toán nội suy điểm chạm nhằm đưa tên lửa đánh chặn lên đón đầu.
Tuy nhiên khả năng vận động của chúng vẫn khá hạn chế với quỹ đạo tương đối đơn giản, không thay đổi được hướng đi nhiều lần, dẫn tới việc vẫn có thể bị phá hủy nếu phía phòng thủ bắn nhiều tên lửa cùng lúc.
Trong khi đó phương tiện bay siêu vượt âm lại khác hẳn, nó có khả năng cơ động linh hoạt chẳng kém gì một chiếc tàu lượn di chuyển ở tốc độ cực cao với quỹ đạo được điều khiển từ xa.
Chính vì vậy mà vũ khí này không có tính dự báo hay có thể nội suy điểm chạm, từ đó gia tăng thách thức đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, Nga thậm chí còn tuyên bố Avangard không thể đánh chặn.
Nhưng thật bất ngờ khi mới đây Tư lênh lực lượng phòng không Nga, Trung tướng Alexander Leonov cho biết, các hệ thống S-300V4 nâng cấp trong cuộc thử nghiệm đã bắn hạ thành công mục tiêu siêu vượt âm.
Ông Leonov đang nói đến khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không S-300V4 đối với mục tiêu là đầu đạn tên lửa dạng tàu lượn siêu vượt âm trang bị cho Avangard, có tốc độ thâm nhập bầu khí quyển lên đến Mach 20 và quỹ đạo cực kỳ khó lường.
Các chuyên gia quân sự Nga hồ hởi cho rằng trong trường hợp này, các hệ thống phòng không S-300V4 có thể hỗ trợ cho S-400 Triumf trong khi chờ đợi S-500 Prometheus hoàn thiện.
Mặc dù vậy, cuộc thử nghiệm của Nga đã hứng chịu rất nhiều ý kiến nghi ngờ từ phương Tây, họ cho rằng chẳng khác gì lời quảng cáo về "chiếc khiên không thể bị đâm thủng và ngọn giáo đâm thủng được mọi loại khiên".
Nếu thử nghiệm của Nga là chính xác, chứng tỏ tên lửa Avangard cũng chẳng có gì "thần diệu" như Matxcơva vẫn quảng cáo, đặc biệt khi S-300V4 không phải hệ thống chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm cao.
Các chuyên gia còn lưu ý rằng đạn đánh chặn có tầm bắn và tốc độ lớn nhất trang bị cho tổ hợp S-300V4 là 9M82MD chỉ đạt tới vận tốc Mach 8, chưa đủ để đánh chặn đầu đạn bay ở Mach 20 như loại trang bị cho Avangard.
Sau khi tổng hợp lại các ý kiến trên thì giới chuyên môn cho rằng đây chỉ là lời giới thiệu theo dạng "cường điệu hóa" của Tư lệnh phòng không Nga, nhưng điều đó chắc chắn sẽ làm cho lực lượng hạt nhân chiến lược cảm thấy chẳng vui vẻ gì.
Bạch Dương