Tu lu - Môn thể thao rèn luyện bản lĩnh trai bản Mông
Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Gầu Tào (diễn ra từ ngày 3 – 5/1) do UBND xã Pà Cò tổ chức, bên cạnh những hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc thì chơi một số môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, kéo co, ném pao, tu lu luôn nhận được sự cổ vũ, hô hào nồng nhiệt của khán giả. Tu lu (đánh quay) là môn thể thao dân tộc thể hiện bản lĩnh, sức mạnh, tính toán chuẩn xác và sự khéo léo từ đôi bàn tay của những chàng trai bản Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò.
Tu lu là môn thể thao dân tộc không thể thiếu mỗi độ Tết đến, xuân về hay lễ hội của đồng bào người Mông huyện Mai Châu. Anh Sùng A Tơ, xã Pà Cò chia sẻ: "Những người đàn ông ở bản Mông hầu hết đều biết đánh tu lu vì đã được làm quen với môn thể thao này từ khi còn bé. Để giành chiến thắng, ngoài sức khỏe thì những người đàn ông phải thật khéo léo và xác định điểm đánh chuẩn xác. Nếu chỉ đứng theo dõi thì khá đơn giản nhưng tu lu đòi hỏi người chơi phải dày dặn kinh nghiệm tích lũy bằng nhiều năm tập luyện”.
Phải chịu lực va đập mạnh trong khi thi đấu nên tu lu (con quay) được làm từ những loại gỗ cứng và dẻo như lim, nghiến, dẻ, sồi, gốc sơn tra... có đường kính từ 7 – 10cm. Mỗi con quay được đẽo gọt to, nhỏ trọng lượng từ 300 – 500 gam, phụ thuộc vào sức đánh của từng người. Con quay có hai đầu, một đầu nhọn là điểm quay trên mặt đất và một đầu được gọt bằng là điểm đánh của con quay đối phương. Dây quay (cua) được se bằng sợi lanh có kích thước hơn 1m, nối với một đoạn pảng (gậy) làm bằng cành cây cứng hoặc cành trúc rừng nhỏ chừng ngón tay. Độ dài của dây quay phụ thuộc vào sức khỏe của người chơi. Nếu người chơi khỏe mạnh thì dùng dây quay dài hơn và những người có sức khỏe hạn chế thì dùng dây quay ngắn hơn. Đầu dây buộc một số sợi lông gà để khi cuốn vào con quay, lông gà thấm nước sẽ tăng độ bám dính, ma sát, không gây trơn trượt khi cầm. Dây quay có độ dài phù hợp, chắc, mềm và con quay tốt góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của người chơi.
Trong khi chơi, con quay của đối phương sẽ đánh vào con quay đang quay trên sân và dễ bị bắn văng ra xa, việc này gây nguy hiểm cho khán giả. Vậy nên sân chơi tu lu phải là những khoảng sân rộng và bằng phẳng để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Từng vùng miền đều có cách chơi và hình thức thi đấu khác nhau, nhưng người Mông ở Mai Châu chủ yếu chơi tự do và chơi đồng đội. Khi có hiệu lệnh, người chơi sẽ quấn quay theo chiều tay thuận của mình và đánh. Chơi tự do không phân biệt người chơi hoặc người đánh. Một người sẽ đánh trước và lần lượt những người còn lại thả con quay xuống sân chơi. Tu lu của ai quay được lâu nhất sẽ là người thắng cuộc.
Còn chơi đồng đội thì phải chia đều các thành viên ở mỗi đội, có thể từ 3 – 5 người hoặc nhiều hơn. Trước tiên phải kẻ vòng tròn có đường kính 50cm để quay tu lu vào trong vòng tròn. Mỗi vòng tròn thi cách nhau khoảng 2 – 3m. Thả và đánh quay diễn ra trong 3 vòng. Tương ứng với mỗi vòng thì khoảng cách và độ khó được nâng lên. Vòng thứ nhất có độ khó trung bình, thả tu lu cách vạch của đội đối phương chừng 3m; vòng thứ 2 khoảng 6m và vòng cuối với độ khó nhất là 9m. Lần lượt từng thành viên của đội thứ nhất sẽ quay tu lu, các thành viên đội đối phương đứng ở vạch và tìm cách đánh đổ con quay của đội kia. Nếu đánh trúng tu lu của đội đối thủ mà con quay của mình vẫn còn sống thì giành được điểm và thi đấu tiếp với cự ly dài hơn. Kết thúc, đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.
Tu lu phù hợp với mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ đều có thể tham gia chơi. Nhưng khi vào sân thi đấu, các đội chơi thường chọn những thành viên có sức khỏe và dày dặn kinh nghiệm.
Môn thể thao dân tộc này là hoạt động lý tưởng giúp rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, linh hoạt của đôi tay cũng như khả năng tính toán điểm đánh chuẩn xác của con quay... Bên cạnh đó, còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc Mông, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, chăm lo phát triển kinh tế và đời sống tinh thần cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tai, tệ nạn xã hội”.