Từ lúc nào học sinh bao giờ cũng đúng, giáo viên lúc nào cũng sai?
Một số vụ nổi cộm được báo chí phản ánh, ngoài thực tế vẫn còn không ít những vụ việc học sinh chửi bới, lăng mạ giáo viên nhưng chỉ được giải quyết nội bộ.
Vài năm trở lại đây, đạo đức của học trò đã trở thành một vấn đề khiến thầy cô, gia đình, xã hội lo lắng.
Chuyện học sinh chửi thầy, đánh thầy đã không còn là hiện tượng lạ trong nhiều trường học hiện nay. Đặc biệt, không dừng ở việc xúc phạm, lăng mạ mà còn dùng vũ lực, hung khí để truy sát thầy cô.
Thầy cô trở thành đối tượng bị bạo hành của một số học sinh
Ngày 2/3/2018, trong giờ học Tiếng Anh, cô C.T.N – giáo viên Trường THCS Tân Thạch (Bến Tre) phát hiện 1 nữ sinh lớp 8 mang vở của môn khác ra học.
Lúc này, cô N. yêu cầu nữ sinh cất vở đó đi để chú tâm vào học môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, nữ sinh nói trên không làm theo nên cô N. đến thu giữ quyển vở. Lúc này, nam sinh N.V.M.T (học cùng lớp) ngồi phía sau đứng dậy, có lời lẽ thách thức, xúc phạm cô giáo N.
Vụ việc căng thẳng, cô N. đi ra khỏi lớp và sang phòng bên cạnh nhờ hai đồng nghiệp sang chứng kiến. Thời điểm này, nam sinh T. lớn tiếng chửi bới và lao tới bóp cổ cô N. trước sự chứng kiến của nhiều người. Mọi người can ngăn nên T. mới chịu dừng lại.[1]
Ngày (5/4/2018), thầy giáo chủ nhiệm lớp 12A6 trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vừa ra khỏi cổng trường thì bị một nam sinh lớp 12A6 đâm trọng thương vào vùng bụng [2]
Nhiều người vẫn còn nhớ vụ về cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B cũng từng bị học sinh quậy phá trong giờ dạy và bị đe dọa, hành hung.
Cô giáo Tuất kể: “Học sinh lớp 5 quậy phá trong giờ học, lấy thước, lấy dép dứ vào mặt tôi nhưng tôi cũng không mắng mà chỉ nói các con không được làm thế.
Có em trùm chăn, trùm áo đồng phục lên cướp đồ ngang nhiên, lấy thước đánh tôi, tôi phải lùi tận trong xó bàn giáo viên. Có em lấy vòng thun bắn đạn giấy vào mắt tôi sau đó tôi phải đi bệnh viện Quốc Oai điều trị không khỏi nên phải đi bệnh viện trung ương điều trị". [3]
Mấy ngày gần đây, dư luận cũng đang phẫn nộ bởi hành động bạo lực của một số học sinh Trường trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Đó chỉ là một số vụ nổi cộm được báo chí phản ánh, bên ngoài thực tế vẫn còn không ít những vụ việc học sinh chửi bới, lăng mạ giáo viên nhưng chỉ được giải quyết nội bộ.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Đạo đức học trò xuống cấp do đâu?”. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thật đáng buồn này.
Theo thầy Dương Thy Phan, cựu giáo viên một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận thì: “Lỗi ở thầy cô một ít, xã hội rất nhiều nhưng cha mẹ vẫn là chủ yếu”. Bởi, “Nếu trong nhà, cha mẹ không dạy được con thì ra ngoài, không ai dạy được. Con nào thì cha mẹ đó”.
Hành xử của một số phụ huynh cũng là nguyên nhân học sinh thiếu sự kính trọng giáo viên
Người viết đã từng chứng kiến, cảnh một số phụ huynh hùng hổ lao vào trường, cầm theo gậy gộc để hành hung một thầy giáo đang dạy trên lớp. Thầy đã phải lao vội ra ngoài cửa sổ (may nhờ cửa sổ không có chấn song) để chạy thoát.
Nguyên nhân chỉ là, một học sinh lười học lại hay nói chuyện riêng trong lớp nên nhiều lần bị thầy to tiếng và nhéo tai.
Một cô giáo đồng nghiệp của tôi cũng từng bị phụ huynh đánh gục trước cổng trường. Lý do là trước đó, cô có dùng thước phạt một roi vào mông một học trò vì tội ngồi quậy phá trong giờ học.
Có phụ huynh chỉ mới nghe con về kể thầy cô la mắng mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân đã vội chạy lên trường mắng xối xả giáo viên. Có người còn lao vào lớp trước sự chứng kiến của nhiều em học sinh chỉ tay vào mặt thầy cô chửi bới vì: “Con tôi ở nhà cha mẹ còn không la một tiếng thì quyền gì lên lớp giáo viên lại la?”.
Cũng đã có học sinh lên nói với giáo viên: “Mẹ con nói, cô có muốn chuyển trường không mà cứ bắt lỗi con hoài”…
Học sinh bây giờ đi học thường được một số phụ huynh “bảo kê”. Những vi phạm của các em được thầy cô nhắc nhở, có phụ huynh tỏ ra không vui, không đồng ý và từ chối hợp tác. Có người còn nói, con tôi là con cầu con khấn nên thầy cô đừng nói gì để làm tổn thương cháu. Hay ở nhà, vợ chồng tôi con không bao giờ chửi con thì thầy cô cũng đừng làm thế.
Nuông chiều con, bênh con bất chấp và hay đổ lỗi cho người khác. Học sinh bao giờ cũng đúng, giáo viên lúc nào cũng sai. Cũng giống như vụ học sinh quây lại đánh chửi giáo viên ở Tuyên Quang. Sau khi sự việc được báo chí phản ánh, người viết băn khoăn, có phụ huynh nào là bố mẹ những em đã hành hung giáo viên dẫn con đến xin lỗi cô giáo.
Còn tư duy: “Cô phải như thế nào con tôi mới làm như thế…”, thì bảo sao các em sợ được? Được “bảo kê”, được “phủi trắng” kiểu này thì không chỉ lần này chúng mắng chửi hành hung giáo viên mà sợ rằng sẽ còn nhiều lần khác.
Nếu như thời ông bà ta, khi đi học về chỉ cần nói hôm nay con bị thầy cô la hoặc phạt đòn, cha mẹ sẽ hỏi tới tấp lý do. Câu nói mà các con thường nghe nhiều nhất là: “Phải làm sao mới bị thầy cô đánh”. Và thế là, đã không được bênh vực mà sẽ bị đánh một trận đau hơn. Có cha mẹ còn lên trường gửi gắm giáo viên con hư cứ nghiêm khắc nhắc nhở hoặc mạnh tay phạt roi.
Biết không được cha mẹ bênh nên đứa trẻ nào đi học cũng sợ mắc lỗi sẽ bị thầy cô thông báo về nhà. Vì thế, học trò cũng sẽ ngoan hơn khi ở trường.
Có một thực tế, cứ một sự việc xảy ra ở trường học liên quan đến giáo viên được phản ánh trên mạng mà bản thân nhiều người dùng mạng xã hội chưa hiểu “đầu cua tai nheo” thế nào, nhưng ngay lập tức có hàng chục, hàng trăm những bình luận vào chửi bới giáo viên bằng cả những ngôn từ mạt hạng nhất.
Khi dư luận lên án thì trường học, ngành giáo dục nơi giáo viên giảng dạy cũng thường chạy theo dư luận để quy kết giáo viên, đưa ra hình thức kỷ luật và buộc các thầy cô giáo ấy phải đến nhà xin lỗi phụ huynh, xin lỗi học sinh (những đứa trẻ mà trước đó mới hỗn láo với mình).
Có người cho rằng, đạo đức học sinh xuống cấp như hiện nay là hậu quả của "chiều" học sinh, gia đình học sinh quá đà - không được xử lý kỷ luật học sinh. Không có kỷ luật những em vi phạm sẽ không có ý thức và thường xuyên tái phạm lần sau.
Sau mỗi vụ học sinh vi phạm nội quy, đánh bạn, xúc phạm giáo viên nhiều ý kiến lại đưa ra kiểu “giơ cao đánh khẽ”, rồi “dạy học bằng tình thương"…Cứ mỗi lần xử phạt nương tay thì học sinh cũng sẽ không thể nào ghi nhớ.
Về lâu dài, nếu không có những giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường. Và người viết lo rằng, sẽ đến lúc nhiều người có năng lực sẽ chẳng còn thiết tha với nghề giáo vì không rõ từ lúc nào "học sinh luôn đúng, giáo viên luôn sai"?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/nam-sinh-bop-co-co-giao-trong-lop-hoc-o-ben-tre-la-hoc-sinh-ca-biet-post184274.gd
[2] https://vtv.vn/vtv8/quang-binh-hoc-sinh-dung-dao-dam-guc-giao-vien-khien-du-luan-bang-hoang-20180405175412483.htm
[3] https://giaoduc.net.vn/toi-day-gan-30-nam-chua-bao-gio-thay-hoc-sinh-hon-lao-tap-the-voi-thay-co-post216600.gd