Từ lùm xùm Phở Thìn, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quan trọng thế nào?

Qua lùm xùm câu chuyện thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, làm thế nào để cá nhân hay doanh nghiệp bảo vệ được nhãn hiệu của mình?

Thời gian gần đây, một số trang thông tin cho biết ông Đoàn Hải Trung (sinh năm 2001) trở thành “truyền nhân” của thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc dựa trên một video về “bước chuyển giao lịch sử để vươn tầm quốc tế” đăng tải trên trang Facebook Phở Thìn 13 Lò Đúc (có tick xanh).

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Đoàn Hải Trung là người đại diện pháp luật và có vốn góp lớn tại 3 công ty liên quan "hệ sinh thái Phở Thìn". Đây đều là những pháp nhân mới thành lập từ năm 2021 tới nay.

Trước sự vụ trên, ông Nguyễn Trọng Thìn khẳng định chưa bao giờ đồng thuận thành lập công ty cùng ông Trung và cũng không sở hữu bất kỳ doanh nghiệp nào.

Ông Thìn cho hay đã từng nhiều lần nộp đơn đăng ký thương hiệu phở Thìn tại Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn đang trong tình trạng "đang giải quyết".

Câu chuyện phở Thìn đặt ra một thực trạng phổ biến của các hộ kinh doanh tại Việt Nam. Không ít thương hiệu lâu đời, doanh nghiệp truyền thống đã chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến việc thương hiệu bị mất vào tay người khác.

Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Quyền đăng ký nhãn hiệu

Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ (điều này được sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng./.

An Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tu-lum-xum-pho-thin-viec-dang-ky-bao-ho-nhan-hieu-quan-trong-the-nao/282061.html