Từ Melbourn đến nơi gặp nhau của hai đại dương

Great Ocean Road dẫn về miền Nam nước Úc để đến thắng cảnh '12 tông đồ', cũng là nơi gặp nhau của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tôi đứng im, lắng lòng nghe gió và sóng, nhìn về nơi gặp nhau của hai đại dương từ phía Tây xuống và từ phía Đông lên, để hiểu ra rằng triệu năm trước có lẽ thiên nhiên đã vậy.

1. Phải mất một tiếng ba mươi phút bay từ Sydney, chúng tôi mới đến Melbourn. Chiếc sky bus đón chúng tôi từ sân bay về nơi nghỉ - một căn hộ khang trang, đầy đủ tiện nghi, từ những thứ cần thiết của nhà bếp để tự nấu nướng nếu thích cho đến máy giặt, máy sấy, internet và những vật dụng khác.

City circle tram - tàu điện cổ - chạy khắp TP Melbourn, phục vụ miễn phí người dân và du khách. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

City circle tram - tàu điện cổ - chạy khắp TP Melbourn, phục vụ miễn phí người dân và du khách. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Chúng tôi khoác ba lô trên vai, nhảy lên tramway đi vòng quanh thành phố. Không ai kiểm soát vé. Mọi người tự giác áp thẻ vào máy tính tiền; tài xế chỉ dừng xe mở cửa cho khách lên xuống ở mỗi ga rồi đóng cửa chạy tiếp. Mạng lưới giao thông ở Melbourn được coi là một trong những hệ thống rộng khắp và tốt nhất trên thế giới. Ngoài các loại taxi và xe công nghệ thì mạng lưới chính gồm xe bus, tàu (train) và xe điện (tram). Tram thường nối dài nhiều toa, gồm có loại bánh lốp và loại bánh sắt chạy trên đường ray - một mạng lưới đi khắp thành phố, đến nhiều ga, đúng giờ, phục vụ chu đáo cho dân thành phố và cho cả khách du lịch quốc tế.

Đặc biệt, có một loại tàu điện cổ ra đời cách đây trên 100 năm, giống như tàu điện leng keng của Hà Nội mà nhiều người từng đi cách đây gần nửa thế kỷ. Hình dáng tàu điện vẫn như thế, nhưng họ đã tân trang lại cả bên ngoài lẫn bên trong; tốc độ không thua kém với các loại tram hiện đại. Tất nhiên là loại này không có máy lạnh, chỉ có hàng cửa sổ trên cao để đón gió. Mục đích của hội đồng thành phố là để những người hoài cổ được sống lại với những ký ức về công nghệ của thế kỷ trước. Với loại tàu điện được gọi là City circle tram này, ta có thể đi đến tất cả các điểm tham quan du lịch, các chợ, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm vui chơi giải trí…, đi cả ngày lẫn đêm không phải tốn tiền.

TP Melbourn được xếp sau Sydney về dân số, về sự phát triển nhưng cũng rất hoành tráng, thậm chí có nhiều nét hiện đại hơn. Thành phố này cũng có nhiều bảo tàng. Tôi chọn vào tham quan một bảo tàng đặc biệt mà tôi chưa gặp ở những đất nước mình đã từng qua: Bảo tàng Di trú (Immigration museum). Thì ra đất nước Australia khởi đầu từ những tù nhân người Anh bị đưa đi đày biệt xứ. Trung tá hải quân James Cook - nhà thám hiểm, nhà hàng hải của Hoàng gia Anh đã phát hiện ra vùng đất miền Đông Úc và chỉ huy việc đưa tù nhân từ Anh đến đây, lập các trại tù. Thổ dân ở đây không thể chống lại được người Anh với phương tiện, vũ khí hiện đại. Người Anh đã mở rộng các trại tù và thiết lập thuộc địa vào những năm cuối thế kỷ XVIII. Hoàng gia Anh đặt tên cho đảo là Australia từ đó.

Vùng đất mới trù phú và nhiều mỏ như vàng, khoáng sản các loại… đã thu hút người Anh nhiều thế hệ đổ bộ tới Australia để làm giàu. Rồi người Scotland, người Ý và nhiều người châu Âu khác đến đây, qua nhiều thế kỷ. Họ mang kỹ nghệ và văn hóa nước Anh, văn hóa châu Âu đến Úc. Rồi những người châu Á - số đông là người Trung Quốc, người Trung Đông... đến đây. Hầu như tất cả các lục địa đều có người di trú đến Úc, hình thành nên 6 vùng thuộc địa. Đến năm 1901, 6 nghị viện thuộc địa tự trị hợp nhất thành nước Australia với 6 bang như hiện nay. Từ đó đến nay, nước Úc vẫn tiếp tục đón dân di trú khắp nơi trên thế giới. Họ đến Úc bằng những con tàu vượt sóng gió biển khơi và cả bằng máy bay, họ đi hợp pháp và bất hợp pháp. Nói chung là đủ các kiểu đổ vào Australia. Ai cũng nghĩ thực tế đó làm sao tránh khỏi mâu thuẫn chủng tộc, mâu thuẫn văn hóa, làm sao tránh khỏi nhiều tội phạm. Thế nhưng với một nền văn hóa vững vàng, một hệ thống luật pháp phù hợp và nghiêm minh, những người di trú đã cùng nhau xây dựng nên nước Úc luôn yên bình, tự do và phát triển thành một nước công nghiệp phồn thịnh, hiện đại, xã hội thân thiện, cởi mở, đáng sống.

Anh Dũng, một Việt kiều tại Úc, vừa là hướng dẫn viên du lịch vừa lái xe đưa chúng tôi đi tham quan, chấp hành luật giao thông nghiêm đến mức không một sơ suất nhỏ. Có lần, do khách đem theo nhiều vali chiếm mất một ghế cốp nên phải cho một cháu bé dưới 10 tuổi ngồi trong lòng người lớn. Anh nói: “Ở đây luật không cho phép bất cứ người nào lên xe mà không có ghế và không có seat bell (dây an toàn)”. Tôi đùa: “Anh sợ cảnh sát?”. Anh trả lời: “Không, mà là sợ luật, mình làm theo luật, cảnh sát cũng làm theo luật chứ cảnh sát không có nhiều quyền để làm khác nên không có xin xỏ, không có thỏa thuận”.

2. Australia theo thể chế quân chủ lập hiến, vua trước đây là Nữ hoàng Elizabeth của Anh, nay là Charles III (Charles đệ tam) có tính biểu tượng về tinh thần, trong thực tế xã hội hoạt động theo chế độ dân chủ đại nghị, thủ tướng được dân bầu trực tiếp.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại TP Melbourn. Ảnh: CTV

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại TP Melbourn. Ảnh: CTV

Vì xã hội đa văn hóa nên thực phẩm ở Úc cũng rất đa dạng, chế biến công nghiệp có, thủ công cũng có; thức ăn Âu, Á và cả các loại thuộc khẩu vị người dân vùng Trung Đông, châu Phi… đều có. Trên đường phố, chúng tôi còn phát hiện ra “Obama’s Bún chả” với hình Tổng thống Obama ngồi uống bia bằng chai tại Hà Nội, trong lòng cảm thấy vui vì món ăn quê nhà đã theo hình ảnh một tổng thống Mỹ sang tận châu Úc. Tôi tò mò: “Người Úc có ăn thịt kangaroo không?” và đi tìm để thử nhưng các nhà hàng của người Úc và nhiều nơi khác không có, chỉ nhà hàng Tàu thì có thịt kangaroo nướng xiên và kangaroo xào với đậu.

Từ Melbourn đi về miền Nam nước Úc mất 3 tiếng đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc xuyên qua khu công nghiệp hiện đại ở ngoại thành rồi chạy dọc theo bờ Thái Bình Dương. Chúng tôi đi trên Great Ocean Road - con đường dài 240km do 3.000 cựu chiến binh thời đệ nhất thế chiến xây dựng bằng cuốc xẻng, xe rùa, búa, đầm tay…, vì thời đó chưa có thiết bị kỹ thuật làm đường hiện đại.

Con đường chạy qua khu rừng quốc gia rồi xuyên qua giữa một bên là đồi núi chập chùng, một bên Thái Bình Dương trùng trùng sóng vỗ, cảnh quan thật hùng vĩ! Đường quay về thì xe chạy theo cao tốc phía tây băng qua thảo nguyên mênh mông với những đàn bò, đàn cừu, đàn ngựa… đang ung dung gặm cỏ dưới những đám mây trắng lang thang trên bầu trời thảo nguyên xanh thẳm, cho ta cảm giác thanh bình của miền quê nước Úc.

Great Ocean Road dẫn về miền Nam nước Úc để đến thắng cảnh “12 tông đồ”, cũng là nơi gặp nhau của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Điều thú vị là từ đây biển mở mãi về Nam Cực của địa cầu, không có lục địa bao quanh nên ngày xưa người ta công nhận chỉ có 4 biển mà thôi. Vào tháng 6/2021, các nhà khoa học thế giới và Mỹ đã thừa nhận có biển thứ 5, đó là Nam Đại Dương, từ nam Úc đi thẳng xuống ta gặp Nam Đại Dương - một đại dương mới không bị các lục địa bao quanh mà biển bao quanh lục địa Nam Cực. Ở đây giữa mùa hè, bầu trời cao vợi, nắng hè rực rỡ nhưng gió thổi từ biển xa về khá lạnh, cho ta cảm giác như gió mang theo hơi băng giá của Nam Cực địa cầu thổi về miền cực Nam nước Úc.

Melbourn được xếp thứ hạng cao về giáo dục, y tế, với mạng lưới giao thông tuyệt vời, cảnh quan đẹp, môi trường trong lành, xã hội cởi mở, thân thiện. Melbourn đã liên tục giữ vị trí quán quân về danh hiệu thành phố đáng sống của thế giới suốt 6 năm liền.

Melbourn - một thành phố cảng, thủ phủ của bang Victoria qua các thế kỷ phát triển phồn thịnh và di trú ồ ạt - nay đã có 4,5 triệu người có gốc gác từ hàng trăm nước trên thế giới. Người ta gọi Melbourn là thành phố hào hoa và thịnh vượng.

HOÀNG NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/318203/tu-melbourn-den-noi-gap-nhau-cua-hai-dai-duong.html