Tự mình vô địch Olympic

Anna Kiesenhofer người vừa đem về cho Áo HCV Olympic đua xe đạp đầu tiên sau 125 năm là nữ tiến sĩ Toán học, đang giảng dạy tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) và tiếp tục tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ.

Nữ tiến sĩ Anna Kiesenhofer đã tính toán chính xác để cầm chắc HCV Olympic Ảnh: Reuters

Cô vừa luyện tập đạp xe vừa theo học tại ĐH Kỹ thuật Viena, ĐH Cambridge và nhận bằng tiến sĩ tại Catalonia năm 2016. Bắt đầu chơi môn đạp xe năm 2014, khi đã 23 tuổi. Từng ký hợp đồng chuyên nghiệp với một CLB nhưng không đem lại kết quả và giải nghệ đầu 2018.

Năm 2019, Anna Kiesenhofer trở lại đua xe đạp nghiệp dư và 3 năm liên tiếp vô địch quốc gia. Tuy nhiên, vẫn chẳng có CLB chuyên nghiệp nào thèm nhòm ngó nên cô dự Olympic Tokyo với tư cách VĐV nghiệp dư. Tức là một thân một mình, không HLV cũng chẳng có chuyên gia dinh dưỡng.

Các đối thủ dĩ nhiên chẳng quan tâm đến cô cùng nhóm tay đua ít tên tuổi. Anna và nhóm này tha hồ vượt lên trước có khi đến 11 phút. Vào giai đoạn nước rút, các ứng viên vô địch mới vào guồng và nhanh chóng vượt qua nhóm ít hy vọng này. Và họ cứ tưởng đã vượt qua cả Anna.

Chính vì thế mới dẫn đến chuyện hi hữu khi cua-rơ Hà Lan 3 lần vô địch thế giới cứ tưởng mình về đầu tiên và đã cầm cờ chạy tung tăng khắp nơi để ăn mừng lần vô địch thứ tư. Ngờ đâu Anna đã cán đích trước 75 giây tương đương 40km.

Trình độ Toán học đỉnh cao không hề mâu thuẫn với sự nghiệp Olympic. Bằng tư duy của một nhà khoa học, Anna tự lên chương trình huấn luyện cho chính mình. Cô soạn hẳn một giáo trình riêng ép bản thân thích nghi với nền nhiệt độ cao tại Tokyo. “Một nhà toán học phải quen với việc tự giải quyết các vấn đề của mình”, cô nói. Một tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của môn “triết học của các con số”. Trong khi “số hóa” chính là quá trình không tránh khỏi trong nhiều lĩnh vực của đời sống…

Tất nhiên việc tự mình huấn luyện mình để vô địch Olympic như Anna Kiesenhofer là độc nhất vô nhị. Nhưng việc các vận động viên tham dự Olympic- giải đấu khẳng định đẳng cấp chuyên nghiệp cao nhất- lại vẫn có bằng cử nhân trong các ngành khác đang trở nên bình thường tại một số nước phát triển.

Được biết tại Olympic 2016, đoàn VĐV Mỹ có tới 80% đã tốt nghiệp hoặc đang học ĐH. Toàn bộ 44 thành viên đội tuyển bơi Mỹ tại Olympic năm nay đều xuất thân từ các đội bơi ở trường ĐH. VĐV Mỹ Andrew Wilson, 27 tuổi tham dự nội dung 100m bơi ếch ở Tokyo 2020 cho hay sau kỳ Olympic này sẽ nghỉ bơi để tập trung làm tiến sĩ Toán Lý. Chase Kalisz- người mang về HCV đầu tiên cho Mỹ ở Tokyo 2020 với chiến thắng nội dung 400m hỗn hợp đã tốt nghiệp ngành Tài chính tại ĐH Georgia. Trường ĐH này cũng đóng góp cho Olympic Tokyo tới 32 VĐV thi đấu không chỉ trong màu cờ Mỹ mà còn cả Hà Lan, Áo, Úc, Nam Phi, Singapore...

Mỹ luôn luôn nằm trong số những quốc gia đứng đầu về thành tích thể thao đỉnh cao. Nhưng điều đáng khâm phục hơn chính là ở sự chú trọng về phát triển cá nhân toàn diện bao gồm thể chất từ trong trường học. Các giải đấu thể thao dành cho sinh viên ở Mỹ đạt tới trình độ chuyên nghiệp cực cao. Khả năng chơi thể thao cũng là một tiêu chí để các ĐH ở Mỹ xét đầu vào…

Còn bài học rút ra từ trường hợp của nữ tiến sĩ vô địch Olympic chắc chắn là tầm quan trọng của môn Toán rồi. Nếu biết Toán có thể dùng để hoạch định sự nghiệp và đường đời, chắc nhiều người (trong đó có tôi) đã yêu môn này hơn khi đang còn đi học. Chứ bây giờ thấy nó phát huy mỗi công dụng khi đếm tiền. Một công việc với tôi vô cùng dễ bởi có nhiều đâu mà đếm.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-minh-vo-dich-olympic-post1360660.tpo