Từ một 'con sâu' tày đình giữa thanh thiên bạch nhật
Ở những khâu/ những chỗ quy định về việc 'phải có văn bằng 2', dù ai cũng hiểu chất lượng thực sự của 'văn bằng 2' như thế nào, thì cần phải được xem xét lại một cách thấu đáo.
Thưa Tòa soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!
Tôi phải dùng hai chữ "sốc nặng" khi nghe báo chí nói đến vụ "đào tạo chui" của Trường Đại học Đông Đô. Ở thời buổi 4.0 như hôm nay, thế mà một trường đại học dám bất chấp mọi luật lệ, qui tắc để thực hiện cái mà báo chí gọi là "đào tạo chui" trong vài năm liên tiếp, thu về hàng tỷ đồng bất chính thì đúng là không thể tin nổi.
Một trường đại học mà đến lúc này, ông hiệu trưởng bị bắt, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị bị truy nã thì càng không thể tin nổi. Vậy mà tất cả những điều không thể tin nổi ấy lại là sự thật, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mắt chúng ta.
Tôi hiểu là không thể vì một "con sâu" mà vu họa cho cả "nồi canh", nhưng vì cái lỗi của con sâu ấy khủng khiếp quá - khó tin quá - bất thường quá - tày đình quá, nên nếu có ai đó nhìn vào "con sâu" mà nghi ngờ, sợ hãi về chất lượng của "nồi canh" thì cũng khó trách người ta cực đoan hay thiển cận.
Trên những tờ báo, tôi đọc được những thông tin rõ mồn một thế này: muốn có văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, người học chỉ việc đóng tiền và chờ đến 2, 3 tháng là xong. Thoạt tiên tôi cứ ngỡ mình đọc nhầm, rằng không phải là "chờ 2, 3 tháng", mà là "học 2, 3 tháng". Ai cũng hiểu học 2, 3 tháng để lấy một cái văn bằng 2 cũng đã là quá ít, nhưng thôi thì dẫu sao "có học có hơn".
Nhưng khi đọc đi đọc lại, và đọc trên nhiều tờ báo khác nhau thì tôi mới dám chắc là mình không nhầm, rằng không phải là "học 2, 3 tháng", mà là chờ "2, 3 tháng". Trong suốt 2, 3 tháng chờ đợi ấy, người học cũng chỉ phải đến trường khoảng 2, 3 ngày để chép đáp án của toàn bộ 27 tín chỉ, từ đó hoàn thiện thủ tục đầu ra.
Mà nghe đâu, không cần tới 2, 3 ngày, nếu ai có khả năng chép nhanh thì chỉ 1 ngày là xong. Bù lại, người học phải đóng một khoản tiền dao động từ 28-35 triệu đồng (nếu đóng trực tiếp tại trường) và 50 - 100 triệu đồng (nếu đóng cho những nhà môi giới). Trời đất ơi, thế này mà gọi là "đào tạo chui" à? Thế này phải gọi đúng, gọi trúng, gọi trắng phớ ra là mua bán bằng mới đúng.
Những hành vi mua/bán trắng trợn, diễn ra trong suốt 3 năm, thế mà phải đợi tới khi Cơ quan Điều tra của Bộ công an vào cuộc thì mới bị phát hiện.
Tôi muốn đặt ra câu hỏi: vậy thì trước đó các cơ quan thanh/ kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu rồi? Giả dụ như Cơ quan Điều tra của Bộ Công an không vào cuộc thì bản thân các cơ quan thanh/kiểm tra của Bộ Giáo dục có thể phát hiện ra sai phạm tày đình, ai cũng thấy hay không?
Thưa Tòa soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, tôi nghĩ rằng đây không chỉ là câu hỏi của riêng cá nhân tôi, mà còn là câu hỏi chung của tất cả những người có nhận thức bình thường quan sát câu chuyện này. Xin nhắc lại, chỉ cần có nhận thức bình thường thì ai cũng sẽ phải hỏi như thế.
Và vì thế sẽ lại phải hỏi tiếp: Vậy thì ngoài trường Đại học Đông Đô, liệu ngành Giáo dục còn "bỏ lọt" những trường hợp tương tự nào nữa không?
Thực lòng, tôi không nghĩ là bản thân quý báo, ở thời điểm hiện tại có thể trả lời trọn vẹn 2 câu hỏi này, nhưng tôi muốn đặt ra 2 câu hỏi này để lắng nghe quan điểm của quý báo. Rất mong nhận được hồi âm của quý báo.
Xin chân thành cảm ơn!
Ngô Hoàng Dương (Thanh Hóa)
Kính gửi độc giả Ngô Hoàng Dương!
Xin được đi ngay vào vấn đề mà độc giả đặt ra cho chúng tôi, đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu trong câu chuyện "đào tạo chui" rất khó tin của Đại học Đông Đô.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, một đại diện của Bộ Giáo dục cho biết là năm 2018, Bộ đã có kế hoạch thanh tra công tác tuyển sinh của trường Đại học Đông Đô, tuy nhiên trường đã có văn bản xin hoãn với lý do: đang chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đóng gói niêm phong.
Nghe cách lý giải này, những người làm báo chúng tôi có một thắc mắc rất lớn: ở thời điểm xây dựng kế hoạch thanh tra đó, Bộ có nhận thấy một bất thường nào đó của Đại học Đông Đô hay không?
Xin nhấn mạnh là việc đào tạo chui của trường này diễn ra từ năm 2016, 2017, nên đến 2018 mà Bộ chợt phát hiện ra một bất thường nào đó thì cũng là rất muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Thành thử, nếu đúng là Bộ nhìn thấy những bất thường thì chắc chắn vẫn phải tính phương án thanh tra khẩn cấp, bất chấp những lý do trì hoãn mà trường này đưa ra.
Trong câu chuyện này, chúng ta đều đã biết là trường Đại học Đông Đô không hề được cấp phép đào tạo văn bằng 2, ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng cá biệt trong năm 2017, không chỉ ngang nhiên tuyển sinh đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, mà còn tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 hàng loạt những ngành khác như: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật Môi trường...
Và qua nhiều hình thức khác nhau, những thông tin tuyển sinh này đều đã xuất hiện trên Internet. Điều đó có nghĩa, chắc là phải bị "mờ mắt" thì mới không nhìn ra những sai phạm này. Vậy mà rốt cuộc các bộ phận thanh/ kiểm tra của Bộ Giáo dục vẫn không/ hoặc chưa (thôi thì cứ tin là "chưa") thể nhìn ra.
Với tất cả những điều như thế, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách nhìn của độc giả, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có một phần trách nhiệm rất lớn trong câu chuyện này.
Cho nên theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề bây giờ không chỉ dừng lại ở việc bắt người này, truy tố người kia ở trường Đại học Đông Đô, mà phải xem xét lại toàn bộ quá trình chỉ đạo/quản lý/ thanh tra của Bộ Giáo dục với không chỉ riêng trường Đông Đô.
Chúng ta nên nhớ rằng ở những lĩnh vực khác của đất nước, điển hình là lĩnh vực kinh tế, đã từng có những quan chức hoặc cựu quan chức bị xử lý rất nặng về tội thiếu trách nhiệm, gây tổn thất, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản và nguồn vốn Nhà nước.
Giáo dục lại là một lĩnh vực hết sức đặc biệt, một lĩnh vực mà nếu vận hành nghiêm túc, hiệu quả có thể tạo ra những con người giàu năng lực, đóng góp vào sự phát triển nói chung của đất nước; ngược lại nếu vận hành bất thường, thậm chí cố ý/hoặc vô tình tạo điều kiện để ném ra xã hội những bằng cấp giả - trí thức giả - nhân cách giả thì sẽ gây hại nghiêm trọng cho đất nước. Thành thử, trong lĩnh vực kinh tế, những sai sót trong quản lý, điều hành đã bị xử nghiêm thì trong giáo dục càng phải xử nghiêm.
Còn một khía cạnh thứ 2 nữa mà độc giả chưa đề cập, nhưng chúng tôi rất muốn nói đến, đó là khi vụ mua/ bán văn bằng 2 (xin được nói chính xác như thế) ở Trường Đại học Đông Đô vỡ lở thì còn một điều khác tiếp tục vỡ lở, đó là có tới hàng trăm cán bộ, công chức nhà nước "mua" bằng ở trường đại học này.
Họ là người nhà nước, phải mua cái văn bằng 2 tiếng Anh để làm gì? Câu trả lời là có thể để hoàn thiện hồ sơ công chức hoặc hợp thức hóa điều kiện học thạc sĩ...
Như thế có nghĩa, bản thân cái quy trình sử dụng và đào tạo con người trong hệ thống của chúng ta cũng có những chỗ mang đầy tính hình thức. Theo quy trình này, một cán bộ có văn bằng 2 tiếng Anh, dù không biết nói tiếng Anh vẫn sẽ được "qui hoạch", ngược lại cán bộ nói lưu loát tiếng Anh, nhưng không có cái văn bằng 2 tiếng Anh vẫn sẽ bị gạt ra.
Trong việc sử dụng nhân sự, đúng là có những khâu/ những chỗ bắt buộc phải có những qui định rõ ràng, bất di bất dịch về bằng cấp, nhưng ở những khâu/ những chỗ quy định về việc "phải có văn bằng 2", dù ai cũng hiểu chất lượng thực sự của "văn bằng 2" như thế nào, thì cần phải được xem xét lại một cách thấu đáo.
Phải xóa bỏ những yêu cầu mang tính hình thức trong việc sử dụng con người thì mới ngăn chặn được những biểu hiện hình thức và dối trá trong việc đào tạo con người.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết mà độc giả đã tin tưởng gửi tới chúng tôi!