Từ một hợp đồng góp vốn bị tuyên phạt 14 năm tù
Hai bên ký hợp đồng góp vốn nhưng sau đó không thực hiện được. Ban đầu bị hại kiện ra tòa nhưng rồi rút đơn, sau đó tố cáo ra công an...
Vừa qua (23-9), TAND Cấp cao tại TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án bị cáo Đinh Kim Ánh (68 tuổi) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Ánh đề nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Hải (người liên quan) để làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa. Ngày mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Vụ án từ hợp đồng góp vốn làm ăn
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Đinh Huỳnh (Công ty Đinh Huỳnh) do ông Huỳnh Vân Đức (chồng bà Ánh) làm đại diện theo pháp luật.
Năm 2005, thông qua giới thiệu của ông Nguyễn Văn Hải, bà Ánh gặp bà Nguyễn Thị Kim Quy (bị hại) và đề nghị bà Quy cùng góp vốn thực hiện dự án chung cư cao tầng tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM.
Bà Ánh cho bà Quy xem bản photo sổ hồng mang tên ông Nguyễn Văn Tự và cho biết đã mua đất của ông Tự, đang làm thủ tục sang tên, đồng thời đã xin chủ trương của UBND Quận 12 để làm dự án chung cư trên phần đất này.
Tin lời bà Ánh, ngày 28-11-2007, bà Quy ký hợp đồng (có công chứng) góp vốn 36,6 tỉ đồng với Công ty Đinh Huỳnh do bà Ánh ký tên với tư cách là là Chủ tịch hội đồng thành viên, để làm dự án.
Bà Quy góp 18,3 tỉ đồng (chiếm 50% vốn góp) và đã giao cho bà Ánh nhiều lần, số tiền tổng cộng 12,47 tỉ đồng. Sau khi giao tiền, bà Quy không thấy dự án thực hiện, cũng không được trả lại tiền nên ngày 12-4-2019, bà Quy làm đơn tố cáo bà Ánh.
TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 24-11-2023. Tại tòa, bà Ánh cho rằng không thực hiện hành vi gian dối để lừa đảo bà Quy mà do đôi bên thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Theo bà Ánh, năm 2007, bà Ánh dẫn bà Quy đến lô đất, đã đưa cho bà Quy 2 bản photo sổ hồng và các các giấy tờ về dự án như bản vẽ thiết kế chung cư cao tầng, quy hoạch 1/500. Bà Quy cũng nhờ ông Hải (người giới thiệu hai bên quen biết) lập bản tóm tắt chi phí đầu tư dự án. Bà Quy đồng ý góp vốn cùng bà Ánh để xây chung cư. Sau đó, hai bên mới ký hợp đồng góp vốn.
Ngay tại thời điểm ký hợp đồng, bà Quy đã được biết dự án đầu tư chưa được phê duyệt, bà Quy đồng ý ký hợp đồng để lập thủ tục xin quy hoạch, duyệt thiết kế, xin cấp phép xây dựng chung cư cao tầng.
Từ đó, bà Ánh cho rằng không thể nói bà có ý thức, hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của bà Quy.
Cạnh đó, theo bà Ánh, khi UBND Quận 12 trả lời khu đất trên nằm trong quy hoạch không thể thực hiện được dự án thì bà Ánh đã cho bà Quy biết và cả hai thống nhất sẽ chuyển sang đầu tư nơi khác. Vì vậy, ngày 21-7-2009, bà Quy tái ký phụ lục hợp đồng góp vốn với bà Ánh để đưa toàn bộ số tiền đầu tư này sang đầu tư dự án ở Long An.
Tuy nhiên, sau đó, do muốn rút tiền góp vốn nên bà Quy đã khởi kiện Công ty Đinh Huỳnh (bà Ánh là đại diện theo pháp luật).
Hồ sơ thể hiện, năm 2011, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận đương sự (vụ án kinh doanh thương mại) với nội dung: “Đối với số tiền 12,470 tỉ đồng bà Quy góp vốn cho công ty Đinh Huỳnh để làm dự án xây dựng chung cư cao tầng ở phường Tân Hiệp Thành, quận 12 do bà Ánh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, nếu bà Ánh không xin được giấy phép dự án thì bà Ánh phải trả lại số tiền này cho bà Quy...”.
Tuy nhiên, năm 2014, Tòa Kinh tế TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận này, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM để giải quyết lại.
Sau khi hủy án và xét xử lại, bà Quy kiện thêm cả Công ty Đình Nguyễn (do bà Ánh là người đại diện theo pháp luật), yêu cầu buộc Công ty Đinh Nguyễn trả toàn bộ nợ vay tại ngân hàng và lãi phát sinh. Tuy nhiên sau đó, bà Quy rút đơn khởi kiện nên năm 2016, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Sau đó, bà Ánh đã lần lượt chuyển trả tiền đầu tư cho bà Quy với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng. Trong khi bà đang tiếp tục hoàn lại tiền góp vốn đầu tư thì bà Quy làm đơn tố cáo đến công an.
Sau khi khởi tố vụ án, trong giai đoạn điều tra bà Ánh đã trả tiếp cho bà Quy 1,41 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền đã trả cho bà Quy là 4,51 tỉ đồng.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bà Ánh cho rằng trước khi ký hợp đồng góp vốn thì bà Ánh đã cho bà Quy biết rõ về tình trạng pháp lý của các thửa đất. Bà Quy trực tiếp xem xét các giấy tờ và biết đất mua đất của ông Tự chưa sang tên.
Bà Quy còn cùng bà Ánh đến thực địa xem đất và bà Quy là người nhận các giấy tờ (bản photo) liên quan đến thửa đất từ Ánh và đưa cho ông Hải và trực tiếp nhờ Hải lập dự toán chiết tính chi phí, trị giá toàn bộ công trình để có cơ sở ký kết hợp đồng góp vốn với bà Ánh.
Như vậy, toàn bộ tình tiết khách quan của sự việc được các bên nhận thức đúng trước khi ký hợp đồng góp vốn là dự án đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục pháp lý từ bước đầu tiên. Do đó, với nhận thức này các bên đã ghi rõ tại hợp đồng góp vốn là “Trách nhiệm của bên B (Công ty Đinh Huỳnh): Đứng pháp nhân chủ đầu tư lập thủ tục xin quy hoạch, duyệt thiết kế, xin cấp phép xây dựng chung cư cao tầng...".
Đây là cơ sở vững chắc khẳng định bà Ánh không phạm tội chiếm đoạt tài sản, vì tại thời điểm ký hợp đồng bà Quy đã biết dự án chưa được thực hiện, nên đã đồng ý góp tiền để cùng thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thương mại.
Tòa lập luận gì khi tuyên 14 năm tù?
TAND TP.HCM nhận định thời điểm ký hợp đồng góp vốn thì bà Ánh đã có các hành vi gian dối: làm giả biên bản của hội đồng thành viên Công ty Đinh Huỳnh có nội dung ủy quyền cho bà Ánh (Chủ tịch hội đồng thành viên) được ký hợp đồng góp vốn với bà Quy, trong khi Ánh không phải là Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty Đinh Huỳnh. Phần đất để xây dựng dự án là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất đang do người khác đứng tên, không phải của bà Ánh hay công ty Đình Huỳnh.
Trước thời điểm ký hợp đồng góp vốn các cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản trả lời theo yêu cầu của vợ chồng bà Ánh đất vướng quy hoạch nhưng bà Ánh đã che giấu không cho bị hại biết. Từ đó làm cho bà Quy tin tưởng đã ký hợp đồng góp vốn và đã có hành vi gian dối để được phòng công chứng chứng nhận hợp đồng góp vốn.
Sau khi ký hợp đồng góp vốn, bà Quy đã nhiều lần giao tiền góp vốn và bị bà Ánh chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Vì vậy, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ pháp lý kết luận bà Ánh đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm do bị cáo Ánh thực hiện đã hoàn thành kể từ thời điểm bị cáo nhận được tiền của bị hại. Các tranh chấp dân sự có phát sinh và thỏa thuận sau đó về số tiền của bị hại bị chiếm đoạt chỉ được xem xét tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả…
Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Ánh 14 năm tù.
Từng trả hồ sơ nhiều lần để làm rõ giao dịch, ý thức của các bên
Vụ án này, TAND TP.HCM cũng từng nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo quyết định trả hồ sơ hồi tháng 7-2022, TAND TP.HCM từng cho rằng CQĐT chưa chứng minh được ý thức chủ quan của bà Ánh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của bà Quy từ trước và dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nên cần điều tra bổ sung…
Năm 2023, TAND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ 2 lần. Trong đó, TAND TP.HCM yêu cầu làm rõ các giao dịch giữa bà Quy với bà Ánh dẫn đến ký hợp đồng góp vốn. Cần thiết cho bà Ánh, bà Quy và ông Hải đối chất để xác định ý thức chủ quan của bà Ánh, bà Quy, vai trò của ông Hải trong việc ký hợp đồng.
Tòa còn yêu cầu làm rõ vì sao bà Quy cho rằng mình bị lừa dối nhưng lại tiếp tục tái ký hợp đồng hùn vốn và không tố cáo hành vi lừa đảo của bà Ánh, lại khởi kiện vụ án dân sự và đồng ý thỏa thuận số tiền đã giao cho bà Ánh là tiền nợ? Làm rõ vì sao hai bên đã thỏa thuận nếu bà Ánh không xin được giấy phép dự án thì phải trả lại 12,47 tỉ đồng cho bà Quy. Nếu bà Ánh không có tiền trả thì bà Quy có quyền đề nghị Cục thi hành án phát mãi tài sản. Thế nhưng sau đó, bà Quy làm đơn tố cáo bà Ánh lừa đảo chiếm đoạt số tiền 12,47 tỉ đồng.
Từ đó mới có cơ sở để kết luận được bà Ánh có nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của bà Quy từ trước và thực hiện hành vi gian dối khi ký hợp đồng góp vốn nhằm chiếm đoạt tiền của bà Quy hay không?
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-mot-hop-dong-gop-von-bi-tuyen-phat-14-nam-tu-post813061.html