Từ một loại hình chữa bệnh, thôi miên trở thành yếu tố rùng rợn trong phim kinh dị
Những bộ phim kinh dị về thôi miên không chỉ gây ám ảnh bởi những hình ảnh đáng sợ, không phân biệt được thực ảo mà còn mang đến phần nội dung lôi cuốn, nhiều nút thắt bất ngờ.
Thôi miên là gì?
Thôi miên là một quá trình mà trong đó các chức năng suy nghĩ có ý thức của trí não bị “đánh lừa” và bị thay thế bằng một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc. Franz Anton Mesmer, một bác sĩ người Áo sống vào những năm 1700, đã khám phá ra thôi miên và dùng công năng của nó để chữa bệnh.
Song, nhiều người lại dùng thôi miên như một hình thức điều khiển tâm trí, ý thức của cá nhân nào đó nhằm đạt mục đích tốt hoặc mưu đồ xấu. Có bốn hình thức thôi miên chính là: cái nhìn cố định, mệnh lệnh dồn dập, thư giãn, mất thăng bằng. Ngoài ra, thôi miên còn sử dụng các loại bùa chú để điều khiển đối tượng mà họ mong muốn.
Vì sao thôi miên đáng sợ trong phim kinh dị?
Từ lâu, các nhà làm phim đã nhận ra sự đáng sợ của việc thôi miên, chi phối suy nghĩ người khác đối với dòng phim kinh dị. Từ năm 1931, nam diễn viên Hungary tên Bela Lugosi đã xuất hiện trên màn ảnh rộng với vai Bá tước Dracula. Bằng đôi mắt sắc lẹm, con ma cà rồng có thể biến nạn nhân thành những tên tay sai vô cảm. Đây là lần đầu tiên yếu tố thôi miên xuất hiện trong phim kinh dị.
Đến những năm 1980 và 1990, khái niệm này trở nên đáng sợ hơn khi người thôi miên bắt nạn nhân phải thực hiện những hành động rùng rợn. Trong bộ phim kinh dị Anguish (1987) của Tây Ban Nha, Zelda Rubinstein vào vai một bà mẹ sử dụng thuật thôi miên để con trai đi ăn cắp nhãn cầu của người khác về cho mình.
Trong A Nightmare on Elm Street 3: Dream Warriors (1987), một máy đếm nhịp với đèn LED đã được sử dụng để thôi miên các bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần vào thế giới trong mơ nhằm đối mặt với tay sát nhân Freddy Krueger. Thôi miên sau đó được dùng để tạo ra những ảo giác ghê rợn về ma quỷ như trong Stir of Echoes (1999).
Đến thời hiện đại, thôi miên còn được xem như một cánh cổng đi đi vào thế giới bên kia. Trong bom tấn kinh dị Insidious (2010), Josh phải nhờ đến bà đồng Elise thôi miên để có thể Cõi Xa – nơi cư ngụ của những linh hồn và ác quỷ. Năm 2017, Jordan Peele cho ra mắt siêu phẩm Get Out khi gia đình Armitage sử dụng thôi miên đưa tâm trí những chàng trai da màu vào Vùng Trũng, biến họ thành tù nhân trong chính thân xác của mình mãi mãi.
Nói cách khác, thôi miên không khác gì “bóng đè” có chủ đích khiến nạn nhân trở nên bất lực trước những thế lực đen tối, trở thành tay sai làm nên những chuyện khủng khiếp mà không hề hay biết hoặc liên tục chứng những hình ảnh rùng rợn, không rõ đâu là thực đâu là ảo.
The Hypnosis – Phim kinh dị Hàn Quốc lấy chủ đề thôi miên
The Hypnosis xoay quanh Do Hyun - một sinh viên đang theo học chuyên ngành Tiếng Anh. Sau khi nhận được lời đề nghị từ giáo sư Yeo, anh chàng đã đồng ý giúp đỡ một sinh viên trao đổi đang phải trải qua điều trị tâm lý sau tai nạn bí ẩn. Qua lời giới thiệu của người bạn này, Do Hyun đã được Giáo sư Choi thôi miên.
Tuy nhiên, những hình ảnh liên quan đến một vụ án trong quá khứ luôn đeo bám Do Hyun kể từ khi bị đánh thức sau lần thôi miên ấy. Những hình ảnh rùng rợn về thời thơ ấu liên tục xuất hiện ám ảnh chàng sinh viên dù không hề có trong trí nhớ. Trong khi đó, hội bạn chơi lâu năm của Do Hyun đồng thời phải đối mặt với các tai nạn bí ẩn hay bị tra tấn bởi những ảo giác kỳ lạ.
Do Hyun và bạn bè có thể chứng kiến những sự kiện rùng rợn bất kì đâu và bất cứ thời gian nào trong ngày. Đồng thời, họ cũng buộc phải đi tìm câu trả lời liệu chúng có liên quan gì đến quá khứ của họ hay một bí mật ghê gớm nào đang bị che giấu.