Từ nạn đói năm 1945 đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực

PTĐT - Nạn đói khủng khiếp năm 1944-1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. 75 năm đã qua đi, cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu...

Nông dân huyện Lâm Thao đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, trở thành “vựa lúa” của tỉnh Phú Thọ với năng suất, chất lượng cao.

Nông dân huyện Lâm Thao đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, trở thành “vựa lúa” của tỉnh Phú Thọ với năng suất, chất lượng cao.

PTĐT - Nạn đói khủng khiếp năm 1944-1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. 75 năm đã qua đi, cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu, người trẻ hôm nay không hình dung nổi nhưng với những người sống qua hai thế kỷ thì ký ức về nạn đói năm ấy vẫn không thể phai mờ. Đó cũng là bài học nhắc nhở chúng ta ý thức tự lực, tự cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, chủ động phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.Cụ Bùi Văn Kiểu, khu 7, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao năm nay hơn 90 tuổi bồi hồi kể lại: 75 năm qua, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, nạn đói khủng khiếp ấy xảy ra trong năm 1945 nên vẫn quen nói “nạn đói năm Ất Dậu 1945”. Trên thực tế, nạn đói bắt đầu từ khoảng tháng 3 năm 1944, tàn khốc nhất là thời điểm bắt đầu bước vào vụ mùa (tháng 7, 8) của năm ấy. Giờ cơm gạo đủ đầy, nên người trẻ không thể biết được cảnh phải đi mót từng nắm rau dại, đào từng củ chuối, củ ráy để lót lòng như thế nào! Trong cuốn sách “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập II”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, phát hành năm 2008, trang 921, có ghi: “Do chính sách vơ vét của đế quốc phát xít Pháp - Nhật, các cuộc ném bom của Đồng minh ngăn chặn sự thông thương Bắc - Nam, do mất mùa, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, nạn đói trầm trọng đã diễn ra ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Chỉ trong thời gian ngắn, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người, bằng một phần mười dân số Việt Nam lúc bấy giờ”. Nạn đói kéo dài sang nửa đầu năm 1945 và chỉ thực sự chấm dứt khi phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lên đến đỉnh cao, giành được thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cùng với khởi nghĩa từng phần, phong trào phá kho thóc của Nhật để cứu đói có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất sâu sắc và to lớn. Tại Phú Thọ, trong một thời gian ngắn có tới 14 kho thóc bị phá để chia cho dân nghèo. Cách mạng tháng Tám thành công đã không chỉ giành được chính quyền về tay nhân dân, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn chấm dứt được nạn đói 1944 - 1945. Ngay trong những ngày đầu thành lập nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ là phải tiêu diệt “giặc đói”, nhiệm vụ này được đặt ngang hàng với hai nhiệm vụ tiêu diệt “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Theo cụ Kiểu kể lại thì sau Cách mạng tháng Tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phú Thọ đã phát động phong trào tăng gia sản xuất và khai khẩn đất hoang từ tỉnh đến xã theo khẩu hiệu “Không để một tấc đất hoang”. Nhằm nhanh chóng đẩy lùi nạn đói, mọi nhà, mọi người, kể cả công chức, viên chức các cơ quan đều tranh thủ tham gia phát hoang trồng sắn, ngô, chuối, nhiều nhất là khoai lang. Việc kêu gọi nhân dân trong tỉnh tăng gia sản xuất đã góp phần đẩy lùi nạn đói, tạo ra nguồn dự trữ để giúp nhân dân, nhất là 4 vạn đồng bào miền xuôi tản cư đến Phú Thọ ổn định đời sống, giúp bộ đội và các cơ quan di chuyển về Phú Thọ ổn định trong những ngày đầu kháng chiến. Kể từ nạn đói năm 1945, giờ đây, sau 75 năm, Phú Thọ đã vươn lên đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về sản xuất lương thực, người dân Phú Thọ đã có mức bình quân lương thực trên gần 400kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,52%/năm, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên.Nông nghiệp Phú Thọ tiếp tục phát triển khá toàn diện, trở thành “trụ đỡ” trong lĩnh vực kinh tế. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã có tác động rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh lương thực cho trên 1,4 triệu dân số toàn tỉnh được đảm bảo, cuộc sống nông dân được cải thiện nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (năm 2000) đã xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước hình thành vùng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; đây cũng là chủ trương xuyên xuốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đến nay. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII tiếp tục xác định trọng tâm khi định hướng về phát triển công nghệ cao (CNC) và đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng CNC vào sản xuất…75 năm đã qua đi, khi an ninh lương thực được đảm bảo, nông dân Phú Thọ giờ quan tâm nhiều đến vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã định hướng cho nông dân chuyển từ lượng sang chất, tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, hướng tới xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững.

Gia Minh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202008/tu-nan-doi-nam-1945-den-van-de-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-172550