Từ nay tới tháng 9/2019 sẽ tập trung giải quyết sim 'rác'
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn trực tuyến với các bộ trưởng, trưởng ngành về nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham gia chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; bộ trưởng các bộ: KH&ĐT, NN&PTNT, TT&TT, Tư pháp, Công an, Xây dựng, KH&CN, LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc. Các bộ trưởng tham gia giải trình gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công thương, GT-VT, Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và 4 kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát lại đối với các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, chất vấn liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề được chất vấn, không nêu lại những vấn đề đã nêu trong báo cáo, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu ở các điểm cầu chất vấn liên quan đến vấn đề: Quản lý thông tin trên mạng xã hội; xử lý sim rác; giải pháp hỗ trợ ngư dân; triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; vấn đề quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài…
Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý thông tin trên mạng xã hội và xử lý sim rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Vừa qua, Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.
“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp, thời gian qua, bộ đã vào cuộc rất tích cực, cụ thể. Với Facebook, trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%; Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…
Liên quan đến việc xử lý sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, từ nay đến tháng 9, các cơ quan sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách để các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty truyền thông. Nếu như còn tồn tại sim rác, các nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới.
Về câu hỏi chất vấn liên quan đến triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đang triển khai nhiều thủ tục liên quan.
Hiện, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán. Bộ GTVT đã xin báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về việc quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng cho biết, số lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, năm 2017 có xấp xỉ 127.000 người; năm 2018 có khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Thời gian qua, không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng tới các thị trường mới như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Czech sau một thời gian gián đoạn.
Đối với câu hỏi về người lao động phải mất chi phí cao hơn các nước khác khi đi XKLĐ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.
Hiện nay, có khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Bộ trưởng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa 2 nước để quy định mức tiền chi trả.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn.
Nam Giang