Từ ngày 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Theo đó, Thông tư 17/2021 bổ sung quy định về phát hành thẻ bằng phương thức điện tử. Cụ thể, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.
Cụ thể, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với các quy định pháp luật khác, gồm tối thiểu các bước sau:
- Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành thẻ và sử dụng thẻ với khách hàng;
- Kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
- Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ bằng phương thức điện tử;
- Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung được quy định tại Thông tư này và thực hiện giao kết hợp đồng;
- Thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm khi sử dụng thẻ cho khách hàng...
Như vậy, với việc bổ sung quy định mới này, ngân hàng không cần phải đến gặp mặt trực tiếp và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thanh toán cho hoạt động tiêu dùng, kinh doanh.
Ngoài ra, liên quan đến phát hành thẻ chip nội địa, Thông tư 17/2021 yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư này.
Tổ chức phát hành thẻ trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với từng trường hợp cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Linh Lê
Theo Luật Việt Nam