Từ ngày 1/1/2025, phải tái chế sản phẩm điện, điện tử cũ

Từ ngày 1/1/2025, tất cả nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm trước khi thải bỏ theo Luật Bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sau đây phải thực hiện trách nhiệm tái chế: tủ lạnh, tủ đông, thiết bị tự động cung cấp sản phẩm đông lạnh, máy bán hàng tự động; điều hòa không khí cố định, di động; máy tính bảng, máy tính xách tay (laptop, notebook); Ti vi và màn hình máy tính, các loại màn hình khác; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng; máy giặt, máy sấy; máy ảnh (kể cả đèn flash), máy quay phim; thiết bị âm thanh (loa, amply); máy tính để bàn; máy in, photocopy; điện thoại di động; tấm quang năng.

Các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm trên sẽ không không phải thực hiện trách nhiệm tái chế nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Sản xuất sản phẩm để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại).

Nhà sản xuất và nhập khẩu các mặt hàng điện – điện tử phải tuân thủ tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Trong đó, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm.

Còn quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 2 hình thức là tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Nếu lựa chọn tổ chức tái chế thì có thể thực hiện phương án tự tái chế, hoặc thuê đơn vị tái chế hay ủy quyền cho tổ chức trung gian hoặc kết hợp cả 3 cách thức nêu trên. Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, và nộp tiền theo thời hạn quy định.

(Theo VTV)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/344100/tu-ngay-112025-phai-tai-che-san-pham-dien-dien-tu-cu.aspx