Từ ngày 1-3: Người dân có thể khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp
Từ ngày 1-3-2022, người dân đã có thể sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử hoặc ứng dụng VN-eID để đi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) thay vì phải mang thẻ BHYT cũng như các giấy tờ tùy thân như trước đây.
Đây là hoạt động đang được thí điểm tại các cơ sở y tế nhằm tiến tới đơn giản hóa các loại giấy tờ, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục KCB cho người bệnh cũng như đáp ứng các lợi ích thiết thực trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở KCB.
* Tạo thuận lợi cho người dân
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn ngành Y tế các địa phương về việc triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp từ ngày 1-3-2022. Theo đó, các cơ sở y tế KCB sẽ tiếp nhận và triển khai KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp điện tử thay cho thẻ BHYT truyền thống.
Để thực hiện được phương thức KCB BHYT bằng CCCD, thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về BHYT trong dữ liệu CCCD và có thể dùng CCCD để đi KCB.
Hiện nay, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị triển khai cũng như vừa triển khai ứng dụng KCB BHYT bằng CCCD. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là đơn vị đầu tiên của Đồng Nai triển khai thí điểm sử dụng CCCD có gắn chíp KCB BHYT thay cho thẻ BHYT.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, qua 1 tuần thông báo và triển khai cũng có một số bệnh nhân hỏi và muốn trải nghiệm việc sử dụng thẻ CCCD khi đi khám bệnh, nhưng phần lớn thẻ CCCD của nhiều người chưa gắn chíp nên chưa thể áp dụng.
Theo bác sĩ Trâm, việc dùng CCCD đi khám bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT chủ yếu là thuận lợi cho người bệnh, về phía bệnh viện thời gian đầu vất vả hơn. Bởi khi dùng thẻ BHYT thì thông tin bệnh nhân đã được bệnh viện cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH, giờ dùng CCCD thì bệnh viện phải nhập lại thông tin cá nhân của bệnh nhân trên CCCD lên hệ thống của cơ quan BHXH thì mới được BHYT thanh toán chi phí KCB. Đối với những trường hợp người bệnh dùng CCCD chưa gắn chíp hoặc dùng CCCD có gắn chíp nhưng trên hệ thống cơ sở dữ liệu BHXH chưa cập nhật thông tin cá nhân của người bệnh thì nhân viên bệnh viện giải thích cho người bệnh hiểu và tiếp tục thực hiện quy trình đăng ký KCB cho người bệnh theo quy định hiện hành.
Nhiều người dân cho rằng, việc tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân vào CCCD, trong đó có thông tin thẻ BHYT sẽ giúp giảm thời gian cho mỗi lần đi KCB BHYT, tránh được sai sót cũng như chấm dứt được tình trạng mượn thẻ BHYT của người khác đi KCB nhằm trục lợi Quỹ BHYT.
Ông Trần Công Đức (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, ông rất vui khi đi khám bệnh BHYT bằng CCCD. Đây là cách làm mới, tích cực, là sự thay đổi phù hợp trong thời đại số, mang tới sự tiện ích thiết thực cho người tham gia BHYT cũng như cơ sở KCB.
Tương tự, bà Trịnh Thị Tường (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều người lớn tuổi hay làm mất, hư hỏng thẻ BHYT dẫn đến mất số, mất chữ... phải đi đổi lại thẻ nhiều lần. Mỗi lần đi khám bệnh phải dùng cả thẻ BHYT lẫn CCCD hoặc chứng minh nhân dân, giờ chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chíp để đi khám thì thật tiện lợi.
* Sẵn sàng triển khai tại các cơ sở KCB trong tỉnh
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, khi nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở đã yêu cầu các cơ sở KCB chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VN-eID; đồng thời, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp. Hiện các cơ sở KCB trên địa bàn đã thông báo công khai cho người bệnh biết và nhiều bệnh viện cũng đang chuẩn bị triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, sử dụng CCCD gắn chíp song song với các ứng dụng trước đó trong KCB BHYT đem lại tiện ích rất lớn cho người tham gia BHYT. Việc này không chỉ giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người tham gia và cơ sở KCB mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân giảm thời gian đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH đối với các hoạt động liên quan tới thẻ BHYT giấy như trước đây.
Hiện nay, nhiều bệnh viện, nhất là những bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến khu vực, mỗi ngày mỗi bệnh viện tiếp nhận từ 2-4 ngàn người đến KCB, trong đó có trên 80% người bệnh đi KCB có BHYT. Một khi tất cả đồng loạt triển khai việc sử dụng CCCD thay cho thẻ BHYT với việc chỉ cần quét mã QR trên CCCD đã được tích hợp thông tin BHYT, thời gian tiếp nhận và hoàn thành các thủ tục đăng ký KCB dự kiến sẽ giảm được từ 50-70% và nhất là khi thông tin công dân đã được xác thực, đối chiếu tự động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ chống được việc trục lợi Quỹ BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, hiện đã có trên 33 triệu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xác thực. Tới đây, khoảng 50 triệu cơ sở dữ liệu còn lại sẽ tiếp tục được kết nối chia sẻ và liên thông, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đi KCB chỉ cần sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chíp điện tử.