Từ ngày 1/7, tất cả doanh nghiệp, người dân dùng hóa đơn điện tử

Tại buổi họp báo chuyên đề về hóa đơn điện tử (HĐĐT) do Bộ Tài chính tổ chức chiều 1/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Đến nay đã có 92,6% doanh nghiệp đã dùng HĐĐT. Theo kế hoạch tới ngày 30/6, toàn bộ 100% doanh nghiệp phải dùng HĐĐT.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại cuộc họp báo.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại cuộc họp báo.

HĐĐT được áp dụng trên toàn quốc là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành Thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách. Tính đến ngày 24/5, cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp, tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.

Với mục tiêu đến ngày 1/7, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chuyển sang dùng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021; giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

“Hiện ngành Thuế đã áp dụng mã QRCode cho người nộp thuế để xuất ngay trên điện thoại thông minh nên rất thuận tiện. Thời gian để phản hồi một HĐĐT từ hệ thống cơ quan thuế là 1/10 giây. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khi toàn bộ người nộp thuế sử dụng HĐĐT, số HĐĐT trong một năm dự kiến là 6,5 - 7 tỷ hóa đơn, trung bình một tháng 400 - 500 triệu HĐĐT được sử dụng”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết.

Việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Đề cập về thông tin người dân mua xe máy, ô tô khi làm thủ tục đăng ký, cơ quan công an yêu cầu phải có hóa đơn giấy dù đã có HĐĐT, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết: Theo quy định, cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp dữ liệu HĐĐT cho các cơ quan liên quan để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Thời gian qua, cơ quan thuế đã phối hợp với công an tại địa phương để công an tra cứu trực tiếp dữ liệu thông tin trên hệ thống cơ quan thuế.

"Khi nhận được HĐĐT, người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể tra được trên hệ thống việc có hay không bên thứ ba sử dụng HĐĐT đó. Còn đối với công tác quản lý hóa đơn nói chung, cũng theo thông tin từ Tổng cục Thuế, hiện Cơ quan Công an TP Hà Nội đã và đang phối hợp với Cục thuế TP Hà Nội kiểm tra, xử lý một trường hợp có dấu hiệu buôn bán hóa đơn qua mạng. Tổng cục Thuế đang kiến nghị Bộ Tài chính, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin. Phía ngành Thuế cũng khuyến khích người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ hãy lấy HĐĐT. Bởi hóa đơn là chứng từ dân sự để xác định nguồn gốc, giá trị hoàng hóa và là cơ sở trong giải quyết tranh chấp dân sự.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/tu-ngay-17-tat-ca-doanh-nghiep-nguoi-dan-dung-hoa-don-dien-tu-20220601175534382.htm