Từ ngày 15/9, các chuyến bay thương mại quốc tế không quá 2 chuyến/tuần
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Trước mắt, tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 330/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác.
Cụ thể, thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn: Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam – Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam – Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam – Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam – Lào (Vientiane).
Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.
Còn đối với đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại, áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; được xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
Về đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba), Thông báo kết luận nêu rõ: Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Đối với người Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho các đối tượng nêu trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính; sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan (đối với chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài được làm việc theo kế hoạch gắn với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch) theo quy định.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nhiều nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt việc này. Chẳng hạn, Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị và triển khai việc xét nghiệm nhanh, phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và giảm đối tượng, thời gian cách ly tập trung.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác trên (bao gồm các hãng hàng không) về đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng nCoV và khai báo y tế, giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2)...