Từ ngày 18-5, sinh viên ĐHQG TP HCM đi học trở lại
Tối 27-4, ĐHQG TP HCM ra thông báo về kế hoạch đi học trở lại của gần 70.000 sinh viên.
Theo đó, từ ngày 4- 5, ký túc xá (KTX) triển khai công tác chuẩn bị đón sinh viên trở lại. Đối tượng đi học lại bao gồm nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, sinh viên năm thứ tư; sinh viên thuộc các khối lớp thực hành, thực tập; sinh viên một số lớp ôn tập để thi cuối kỳ. Việc tổ chức đi học lại cho sinh viên trong giai đoạn này cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định của ĐHQG TP HCM. Các đối tượng sinh viên còn lại tiếp tục học theo hình thức trực tuyến.
Từ ngày 11- 5, KTX đón sinh viên vào ở. Sinh viên có thể quay lại học bình thường nếu đơn vị tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí quy định về an toàn của ĐHQG TP HCM với điều kiện KTX đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho sinh viên. Các đơn vị tiếp tục ưu tiên thực hiện hình thức giảng dạy trực tuyến.
Từ ngày 18- 5, toàn bộ các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống ĐHQG TP HCM cho sinh viên đi học lại bình thường. Các đơn vị chủ động trong việc thực hiện hình thức giảng dạy trực tuyến. Riêng Trường ĐH An Giang, do thuộc địa phương có nguy cơ thấp về lây nhiễm dịch Covid-19 nên có thể bố trí đối tượng và phương thức học phù hợp với điều kiện thực tế ứng các thời điểm nêu trên.
Đối với học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu và Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm thuộc Trường ĐH An Giang: đối tượng và thời gian cụ thể đi học lại được thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Trung tâm Quản lý Ký túc xá tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, các hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu để sẵn sàng đón sinh viên vào ở từ ngày 11- 5, đồng thời xúc tiến bố trí nhà G (tại khu B) cho sinh viên có nhu cầu ở tạm từ ngày 4- 5.
Trên cơ sở bộ chỉ số của UBND TP HCM đã ban hành, ĐHQG TP HCM xây dựng và ban hành sớm nhất (trước ngày 30/4/2020) bộ "chỉ số đánh giá độ rủi ro lây nhiễm covid-19" để áp dụng tại các trường, viện thành viên và các đơn vị trực thuộc của ĐHQG TP HCM. Các đơn vị sẽ căn cứ vào bộ chỉ số này để tự đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm tại đơn vị mình. Dựa vào kết quả đánh giá của từng chỉ số, các đơn vị xem xét điều chỉnh và tăng cường các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cao nhất cho mọi hoạt động tại đơn vị mình.