Từ ngày 20/3 muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt

Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/2/2020, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Trong đó, có nội dung từ ngày 20/3, người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt.

Từ ngày 20.3, muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt.

Từ ngày 20.3, muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt.

Cụ thể, nội dung Nghị định quy định rõ:

Người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Đồng thời, phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như:

Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh Nghị định 16/2020/NĐ-CP, một số chính sách sau cũng sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 3.2020:

- Từ ngày 1/3/2020, Thông tư số 01/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành và sửa đổi quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT sẽ chính thức có hiệu lực.

- Từ ngày 1/3/2020, Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, trên văn bằng sẽ không còn ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… Như vậy, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…

- Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.3.2020, sẽ tiếp tục thí điểm hỗ trợ vay vốn làm ăn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy tại 15 tỉnh, thành phố .

- Từ ngày 15/3/2020, Nghị định 14/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24.1.2020 chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định về điều kiện hưởng trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên với mức trợ cấp được tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp.

- Từ ngày 15/3/2020, Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông chính thức có hiệu lực.

- Từ ngày 31/3/2020, buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Theo Trần Kiều /Báo Lao động

()

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/tu-ngay-203-muon-nhap-quoc-tich-viet-nam-phai-biet-tieng-viet-33815.html