Từ nghị quyết đến Lễ hội Sen

Ngày 19/5, Đồng Tháp long trọng khai mạc Lễ hội Sen như cú hích về phát triển kinh tế, du lịch, xã hội. Đây được xem như kết quả của hành trình xây dựng hình ảnh địa phương của nhiều thế hệ...

Biểu diễn lấy tơ sen tạo thành vật liệu may mặc

Biểu diễn lấy tơ sen tạo thành vật liệu may mặc

Ngày hội của trăm sen đua nở

“Trong 3 ngày hoạt động, Lễ hội Sen không chỉ mang đến cho mọi người cảm xúc rất đặc biệt về văn hóa sen mà còn níu chân người xem trở lại Đồng Tháp từ những sắc màu khác của vùng xứ sở được mệnh danh là Đất Sen hồng”- ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội Sen tỉnh Đồng Tháp lần I/2022 cho biết. Theo đó, vào tối 19/5, tại Quảng trường Văn Miếu, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp long trọng khai mạc Lễ hội Sen. Với chủ đề: “Sen ngày mới” lễ hội cuốn hút khách gần xa qua chương trình sân khấu hóa hoành tráng. Nổi bật là chương trình “Sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba được chế tác và ứng dụng các vật liệu từ sen... Đây được xem như hoạt động thiết thực và ý nghĩa chào mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đồng Tháp. Hơn thế nữa, theo ông Thương, trong 3 ngày hoạt động (19 - 21/5/2022), lễ hội còn có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp; đồng thời thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp. Theo đó, bên cạnh Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp, còn có chương trình giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen. Đặc biệt nhất và hấp dẫn nhất là ngay tại Lễ hội lần này, Đồng Tháp chính thức “trình làng” và xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen... Đây được xem như thời khắc hội tụ hoành tráng của những sắc thái sen trên xứ sở được mệnh danh là Đất Sen hồng để phát triển kinh tế, du lịch...

Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu cho hành trình dài hơi của Đồng Tháp đang vươn tới danh xưng: Đất Sen hồng. “Trong lần tổ chức tới, chắc chắn Đồng Tháp sẽ hướng tới chiều sâu về sen, có thể đó là Festival Sen và kể cả mục tiêu thành lập bảo tàng về sen”- ông Thương chia sẻ.

Sen trở thành biểu tượng của Đồng Tháp

Sen trở thành biểu tượng của Đồng Tháp

Từ Nghị quyết thương hiệu địa phương...

Trước khi rời Đồng Tháp với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy để nhận nhiệm vụ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan đã từng chia sẻ hành trình xây dựng thương hiệu địa phương từ sen: “Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng hình ảnh địa phương, Đồng Tháp đã chọn sen để bắt đầu... Sau những dò dẫm, chúng tôi đi từng bước thận trọng và chắc chắn”. Vì sao chọn sen làm hình ảnh thương hiệu địa phương? Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, từ lâu Đồng Tháp được biết đến nhiều qua 2 câu thơ nổi tiếng: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen; Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”. Nhắc đến Đồng Tháp người ta nghĩ ngay tới hình ảnh Đồng Tháp Mười mênh mông, cánh đồng sen bạt ngàn, nhưng sâu xa hơn, hoa sen đã thấm sâu vào tâm hồn và ý chí con người nơi đây. “Việc chọn hoa sen là biểu tượng địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên của hoa sen không khuất phục trước gian khó và thuần khiết: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”- ông Nghĩa chia sẻ. Từ những đặc trưng này, tỉnh cũng đã chọn Slogan để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, với mong muốn du khách, nhà đầu tư khi đến nơi đây sẽ cảm nhận được nét nguyên sơ và sự chân tình, ấm áp của đất và người Đồng Tháp... Chính sự định hướng này đã dẫn dắt Đồng Tháp trở thành hiện tượng đặc biệt khi từ địa phương khuất nẻo, vươn lên và có mặt trong top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Đặc biệt, năm 2020, phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã đánh giá cao Đồng Tháp: Việc xây dựng hình ảnh thân thiện và năng động với thương hiệu “Đất Sen hồng”, Đồng Tháp trở thành một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương - “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”. “Điều này làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Lục Tùng

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song/tu-nghi-quyet-den-le-hoi-sen-105452.aspx