Từ 'ngôi vương' xuất khẩu cao su, Thái Lan có nguy cơ hụt hơi trước Việt Nam?

Thái Lan, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên, đang đối mặt với một giai đoạn bước ngoặt trong ngành cao su khi vừa ghi nhận những tín hiệu lạc quan mới trong xuất khẩu, vừa đứng trước thách thức lớn từ biến động địa chính trị và thương mại toàn cầu.

Sản lượng và diện tích trồng cao su của Thái Lan.

Sản lượng và diện tích trồng cao su của Thái Lan.

“Vị vua không ngai” trên thị trường cao su toàn cầu

Bắt đầu trồng cao su thương mại từ năm 1960 tại tỉnh Trang, đến nay Thái Lan đã mở rộng diện tích trồng ra 17 tỉnh với tổng diện tích hơn 38.000 km² tính đến năm 2024. Sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của nước này năm 2024 đạt gần 4 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, một con số thể hiện vai trò “người khổng lồ”, định danh “ông vua không ngai” trên thị trường cao su thế giới.

Không chỉ dừng lại ở cao su nguyên liệu, Thái Lan còn phát triển mạnh chuỗi chế biến với các sản phẩm như lốp xe, găng tay y tế và ống cao su, đạt giá trị xuất khẩu tới 11 tỷ USD trong năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2025, nước này đã thu về 5,49 tỷ USD từ ngành chế biến cao su, trong đó riêng lốp xe đã chiếm gần 70% giá trị chuỗi.

Khí hậu nhiệt đới khiến ngành cao su Thái Lan vận hành theo chu kỳ ba mùa: rụng lá (tháng 2 - 5), mùa mưa (tháng 5 - 10) và mùa thu hoạch đỉnh cao (tháng 10 - 1 năm sau). Tuy nhiên, trong 6 năm qua, diện tích trồng đã giảm từ hơn 40.000 km² xuống còn hơn 38.000 km² do nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả, tín hiệu của một sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sâu sắc.

Dù vậy, sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Thái Lan năm 2024 đạt 2,93 triệu tấn, tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, các sản phẩm cao su xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan gồm: cao su tấm hun khói chủ yếu là cao su RSS3 xuất sang Nhật Bản, Mỹ, và Trung Quốc…

Sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Thái Lan giai đoạn 2019-2025.

Sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Thái Lan giai đoạn 2019-2025.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên trong năm 2024 của Thái Lan đạt gần 5 tỷ USD. Còn theo thông tin mới nhất từ Sunsirs, 5 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu được 1,95 triệu tấn cao su thiên nhiên và cao su hỗn hợp, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có tới 1,25 triệu tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Thái Lan đang sở hữu ngành công nghiệp chế biến cao su cực kỳ phát triển như lốp xe, găng tay cao su, ống cao su,… với thị trường chủ yếu là Mỹ. Trong năm 2024, giá trị xuất khẩu của chuỗi ngành công nghiệp chế biến cao su đạt gần 11 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm làm từ cao su của nước này đạt 5,49 tỷ USD, trong đó lốp cao su chiếm 69,72% chuỗi giá trị, găng tay cao su chiếm 13%.

Theo Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên, sản lượng cao su năm 2025 dự kiến vẫn tăng 1,25% lên 4,85 triệu tấn, nhờ công nghệ canh tác và tập trung vào khu vực có năng suất cao như miền Nam.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su của Thái Lan.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm cao su của Thái Lan.

“Nín thở” trước căng thẳng thương mại

Ngành cao su vốn là một trụ cột kinh tế quan trọng của Thái Lan và năm 2025, quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới này đang đứng trước một giai đoạn vừa hứa hẹn nhiều cơ hội, vừa tiềm ẩn không ít thách thức.

Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường lớn nhất của ngành cao su Thái Lan, trong đó, riêng Trung Quốc đã chiếm tới hơn 61% giá trị xuất khẩu, tiếp đó là Nhật Bản chiếm 7% và Mỹ chiếm gần 5,3%. Tuy nhiên, cho tới nay, ngành này vẫn đang phải “nín thở” trước những bất ổn địa chính trị, đặc biệt là các biện pháp áp thuế mới của Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc. Với vai trò là quốc gia nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, mọi cú sốc đối với Trung Quốc đều có thể làm chao đảo chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên ngành cao su Thái Lan.

Kể từ sau khi Mỹ áp thuế đối ứng ở mức cao chót vót lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì ngành công nghiệp sử dụng cao su như sản xuất lốp xe tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), lượng tồn kho trong ngành xe du lịch của nước này tính đến tháng 4 là 3,5 triệu chiếc, tăng 4,4% với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đủ để duy trì hoạt động bán hàng trong khoảng 57 ngày, đây là con số cao nhất kể từ năm 2023.

Tại Nhật Bản - thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của ngành cao su Thái Lan chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi áp thuế, giá trị xuất khẩu xe của Nhật Bản sang Mỹ đã lao dốc. Theo số liệu thương mại tháng 6, lượng xe Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ tăng 3,4% so với cùng tháng năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 26,7%. Giá trung bình mỗi xe đã giảm gần 30% so với tháng 6 năm ngoái.

Giá cao su tấm thô và RSS3 tại thị trường nội địa Thái Lan.

Giá cao su tấm thô và RSS3 tại thị trường nội địa Thái Lan.

Nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp và doanh nghiệp trong nước, Thái Lan kiên quyết không chấp nhận mức thuế 0% cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng nước này đang phải căng thẳng đối mặt với nguy cơ bị áp mức thuế tới 36% - cao hơn đáng kể so với nhiều đối thủ trong khu vực ASEAN khi xuất hàng sang Mỹ.

Theo đại diện của Hiệp hội Cao su Thái Lan, nhiều tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đã đặt nhà máy sản xuất lốp và cao su tại Thái Lan để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu hàng xuất khẩu Thái Lan mất lợi thế cạnh tranh do thuế cao, ảnh hưởng sẽ không chỉ dừng lại ở lốp xe mà còn lan sang cả các nhà sản xuất găng tay cao su và công ăn việc làm của hơn 100.000 lao động.

Tác động từ căng thẳng Mỹ - Trung đã phần nào thể hiện qua đà sụt giảm giá cao su Thái Lan kể từ đầu năm 2025: cao su RSS3 hiện chỉ còn khoảng 2 USD/kg. Giá giảm phản ánh tâm lý lo ngại từ thị trường, cũng như khả năng xuất khẩu chững lại nếu các rào cản thương mại được siết chặt từ ngày 1/8 tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba thế giới, lại đang đứng trước một cơ hội hiếm có để mở rộng thị phần. Nếu Thái Lan bị hạn chế tiếp cận một số thị trường lớn như Mỹ hoặc Trung Quốc, các đối tác thương mại có thể chuyển hướng sang nguồn cung ổn định và linh hoạt hơn, mà Việt Nam là một trong những ứng viên sáng giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ( )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/tu-ngoi-vuong-xuat-khau-cao-su-thai-lan-co-nguy-co-hut-hoi-truoc-viet-nam-20250724135339404.htm