Từ ngọn nguồn cảm hứng
Tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt vì dân của Quốc hội đã thấm sâu vào HĐND các cấp, trở thành chất liệu của nhiều tác phẩm báo chí chất lượng ở địa phương, mà giải Diên Hồng chính là nguồn cảm hứng để góp sức lan tỏa giá trị đó.
Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
Ngay sau khi quyết định tham gia dự giải Diên Hồng lần thứ Hai, nhóm tác giả Báo Hà Tĩnh đã lên kế hoạch thực hiện loạt bài Những quyết sách tạo động lực để Hà Tĩnh bứt phá (giải C), đi sâu vào những chính sách tạo sự đột phá, diện mạo mới cho tỉnh. Nhà báo Trương Mai Thủy chia sẻ: “Lâu nay, Hà Tĩnh luôn được biết đến là một tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, hành trình vươn lên lại gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng gần đây, Hà Tĩnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều bứt phá vươn lên thuộc nhóm tỉnh có quy mô kinh tế hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, là địa phương thuộc diện có tốc độ phát triển nhanh của cả nước”.
Với nhà báo Biện Thị Luân (Báo Hà Giang), quá trình công tác tại cơ sở, làm việc với các đại biểu HĐND cấp xã, tham dự một số kỳ họp, chị nhận thấy hoạt động của HĐND cấp xã tại Hà Giang còn nhiều bất cập, mặc dù có nhiều giải pháp đổi mới nhưng chuyển biến còn chậm. Từ đó, chị lên ý tưởng thực hiện loạt bài 3 kỳ Đảm bảo “3C-4T-4N” để nâng tầm HĐND cấp xã (giải C) phản ánh thực trạng này, “để HĐND các cấp nhìn thẳng vào thực tế từ đó có giải pháp quyết liệt hơn nhằm phát huy hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”.
Nhìn thẳng vào thực tế để thông qua những trang báo cất lên tiếng nói vì sự phát triển cũng là cách nhóm tác giả Báo Lào Cai khai thác câu chuyện về tấm gương những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì nơi vùng cao biên giới. Loạt bài Những đại biểu HĐND “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì (giải B) đề cập tới vai trò của những nữ đại biểu người Hà Nhì nói riêng, nữ đại biểu người dân tộc thiểu số nói chung ở nơi vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, các tác giả còn phản ánh sự quan tâm của tỉnh Lào Cai đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, người Hà Nhì nói riêng và các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND nơi vùng cao, biên giới.
“Để thực hiện loạt bài, chúng tôi đã đến những thôn, bản xa xôi nhất cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 100km để gặp gỡ, trò chuyện với những nữ đại biểu người Hà Nhì, ghi lại những câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống, công việc của họ. Nhóm phóng viên cũng phỏng vấn lãnh đạo các đơn vị liên quan đánh giá về hoạt động, đóng góp của các nữ đại biểu người Hà Nhì”, nhà báo Trần Tuấn Ngọc, Báo Lào Cai chia sẻ.
Cầu nối ý Đảng - lòng dân
Trước khi thực hiện loạt bài Những đại biểu HĐND “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì, nhóm tác giả Báo Lào Cai đã thực hiện loạt bài Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới, đoạt giải C, giải Diên Hồng lần thứ Nhất, trong đó có tấm gương một nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì. Trong loạt bài mới này, nhóm đã dành thời gian đi sâu tìm hiểu về dân tộc Hà Nhì và các nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì nói chung của tỉnh Lào Cai, và tiếp tục tham dự giải Diên Hồng lần thứ Hai.
“Câu chuyện về những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì ở Lào Cai và chuyện “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì nói riêng, xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao, biên giới được các cấp, các ngành quan tâm. Việc loạt bài giành giải B, giải Diên Hồng lần thứ Hai tiếp thêm động lực để người làm báo chúng tôi tiếp tục thực hiện những tác phẩm có ý nghĩa trong mảng đề tài này”, nhà báo Trần Tuấn Ngọc nói.
Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnhQuảng Ninh, nhà báo Mai Vũ Tuấn, với vai trò là cầu nối giữa “ý Đảng - lòng dân”, Trung tâm xác định nhiệm vụ của mình là chuyển tải kịp thời, chân thực, sâu sắc, sinh động kết quả thực tiễn từ các nghị quyết “hợp lòng dân”, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của HĐND tỉnh. Đồng thời, lan tỏa những giá trị đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh tới công chúng cả nước. Việc tham gia giải Diên Hồng giúp Trung tâm có thêm động lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó.
Tham gia giải Diên Hồng và vinh dự đoạt 2 giải, gồm giải B dành cho tác phẩm phát thanh Nâng “chất” và “lượng” trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải Khuyến khích dành cho tác phẩm báo in Chuẩn nghèo đa chiều theo cách tiếp cận mới: Thêm một thương hiệu của Quảng Ninh, những người làm báo Quảng Ninh có cơ hội trau dồi thêm năng lực cho bản thân trong tuyên truyền về cơ quan dân cử, đại biểu dân cử của tỉnh. Tiếp tục bám sát thực tiễn, hiểu sâu sắc, toàn diện về tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử để phản ánh kịp thời, giúp người dân, cử tri hiểu rõ hơn hoạt động, nắm bắt nhanh chóng các quyết sách của cơ quan dân cử.
"Giải Diên Hồng là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên tìm tòi, sáng tạo để có nhiều hơn nữa các bài viết nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tạo sự lan tỏa tích cực, cổ vũ, phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, qua đó góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhà báo Mai Vũ Tuấn nói.
Còn niềm vui mà nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh cảm nhận được trong quá trình tác nghiệp lại là sự tri ân của các đối tượng yếu thế, những hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi... khi họ nhận được sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ từ những nghị quyết, chính sách lớn do HĐND tỉnh ban hành hướng tới bảo đảm an sinh xã hội. Theo nhà báo Mai Thủy, “đó là động lực để nhóm tiếp tục theo đuổi mảng đề tài này, tham gia giải Diên Hồng những năm tiếp theo”.
Hương Sen - Lê Thư
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tu-ngon-nguon-cam-hung-i356464/