Từ người mẹ vô danh đến nhân vật truyền cảm hứng trên mạng xã hội
Sau 2 năm vượt qua nhiều khó khăn, cô Dương Thị Cường - chủ kênh YouTube 'Ẩm thực mẹ làm' - đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong những video lan tỏa khắp thế giới.
Giữa rất nhiều kênh YouTube có lượng theo dõi khổng lồ, những video giản dị, kiệm lời của Ẩm thực mẹ làm vẫn chinh phục người xem nhờ nét chân quê, mộc mạc và câu chuyện đầy cảm hứng của hai mẹ con.
Đằng sau những thước phim tỉ mỉ, trong sáng và đầu tư ấy không phải ê-kíp hùng hậu như nhiều người vẫn nghĩ, mà chỉ đơn giản là một người phụ nữ thuần nông, gắn bó máu thịt với ruộng đồng, làng quê; là một cậu con trai lớn lên bằng bờ vai gầy nhưng vững chãi, chống cả thế giới của mẹ.
Nép sâu trong lòng thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên, căn nhà của hai mẹ con cô Dương Thị Cường và Đồng Văn Hùng là nơi khai sinh ra Ẩm thực mẹ làm - kênh YouTube duy nhất được chọn là đại diện Việt Nam tham dự "Youtube Fanfest 2020". Đây là sự kiện lớn, quy tụ những người có sức ảnh hưởng trên YouTube đến từ nhiều quốc gia.
Hai năm làm YouTube và bước đầu đạt được những thành công mà nhiều người ngưỡng mộ, nhưng căn nhà của cô Cường vẫn đơn sơ với gian bếp be bé, cái bàn, bức tường và mái ngói vương dấu thời gian.
Cuộc sống ngoài đời và trên YouTube của cô Cường chẳng khác gì nhau, vẫn là những ngày trồng cây, tưới tắm, chăn lợn, ra ao mò ốc mò trai, về đồng bắt cua, con to giã ra nấu canh, con nhỏ để rang lá lốt dùng bữa... Giờ đang là ngày mùa. Cô Cường vừa thu hoạch lúa, lại xoay ra phơi phóng cho thóc khô giòn.
Hùng đã bỏ thành phố, về nhà ở hẳn cùng mẹ, cô có thêm nhiều niềm vui, đi làm đồng, vào bếp nấu cơm thi thoảng còn có con và máy quay đi theo, đến bữa không còn cảnh “một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch” lủi thủi một mình.
Cô cười vang, “mách” rằng Hùng về nhà cũng đỡ được đôi việc, nhưng lại bày thêm cho mẹ việc khác, bắt mẹ làm. “Việc khác” mà cô Cường nhắc đến chính là làm YouTube.
Giờ thì cô đã bớt ngượng nghịu khi Hùng cứ lẽo đẽo theo sau, chĩa máy quay vào mình, nhưng nhiều khi bận quá, đang dở việc cấy hái, lợn đói meo mà Hùng thì quay tỉ mỉ, góc gần rồi lại góc xa, nhiều lần cô bảo Hùng “thôi chẳng làm YouTube nữa”. Hoặc nhiều hôm đang quay dở, lợn đói nhao lên đòi ăn, cô lại vứt đấy để đi chăn lợn.
Sau 2 năm làm YouTube, xây dựng Ẩm thực mẹ làm, cuộc sống của cô nhìn chung vui hơn, bận rộn hơn và được nhiều người biết đến hơn.
“Ngày xưa, hàng xóm xung quanh thấy Hùng đem máy quay ra đồng thì thấy lạ, giờ nhiều người cũng xem clip rồi bảo: ‘'Ô hay thằng bé này thế mà có khiếu nhỉ, quay cảnh đồng quê lên cũng đẹp phết’'. Rồi thỉnh thoảng cô ra chợ, có mấy cháu trẻ trẻ chạy ra bảo: '‘Cháu xem clip nhà cô rồi, sao trên YouTube cô đẹp thế?'’. Buồn cười chết! (cười lớn). Có quay lên thì vẫn là mình, vẫn là người nhà quê thôi, chứ có gì khác đâu”, cô nói.
Người phụ nữ ấy cả đời quẩn quanh bên ruộng vườn đất đai với một niềm say mê bất tận. Hùng đã mang tất cả tình yêu và sự chân chất ấy của mẹ vào trong những video Ẩm thực mẹ làm, để rồi những bữa cơm quê trong căn bếp nhỏ đã làm rung động cả thế giới.
Điều kỳ diệu ấy không đến nhờ đũa thần trong cổ tích, cũng không phải thứ người ta mua được dễ dàng. Nó đến từ chính đôi bàn tay của người mẹ tảo tần - có thể chai sần vì lao động, chắt chiu từng hạt gạo, trái cà, quán xuyến chăm sóc gia đình... nhưng vẫn tạo nên những thành quả giá trị được cộng đồng ngưỡng mộ. Chẳng cần đợi phép màu ở đâu xa, người mẹ ấy đã tự tạo ra kỳ tích từ sự kiên định và trái tim chân thành của chính mình.
Sự lạc quan, suy nghĩ tích cực và câu chuyện “khởi nghiệp” YouTube ở tuổi 54 của cô Dương Thị Cường đã truyền cảm hứng đến nhiều phụ nữ khác, đặc biệt là những người sống ở nông thôn.
Chưa nói đến YouTube, ngay cả việc làm mẹ cũng đã là một quyết định cực kỳ dũng cảm của người phụ nữ ấy. Ở thời điểm cách đây hơn 23 năm, khái niệm “mẹ đơn thân” tại vùng nông thôn thuần túy như nơi cô sống vẫn còn xa lạ. Bỏ ngoài tai những áp lực từ nhà ra ngõ, cô đã chọn bản năng làm mẹ, chọn con trai mình trong một sự kiên định mạnh mẽ, thậm chí là lì lợm. Cô “cứ im lặng mà sống, mà làm việc, mà vươn lên để không ai khinh được mình”.
Cô bươn bả, luôn chân luôn tay với đồng áng, ky cóp mỗi năm một chút tiền từ vụ lúa, vụ màu để dựng căn nhà, gian bếp, xây cất thành nhà ba gian rồi thêm cái buồng, sửa sang chuồng lợn, cải tạo vườn… Dần dần rồi cũng có căn nhà tàm tạm như bây giờ. Suốt ngần ấy năm, một tay cô quán xuyến lượng công việc khổng lồ, từ đồng áng, chăn nuôi đến chăm chút gia đình, nuôi dạy con khôn lớn.
Cô Cường đã chọn cuộc sống áp lực và đầy ắp tủi buồn ở tuổi 32 để đổi lấy ánh sáng hạnh phúc vào tuổi trung niên, thay vì để đời trôi nhàn nhạt không điểm nhấn, năm tháng trôi qua chỉ thấy già đi chứ không thêm thành tựu. Rồi khi bắt tay làm YouTube, cũng có những bàn tán, đồn thổi rằng hai mẹ con “kiếm bộn tiền”, những cảm xúc ngượng nghịu trước máy quay, những ngày bận tối mắt chẳng có thời gian nghỉ… nhưng cô Cường vẫn tiếp tục.
Động lực của cô, đơn giản chỉ là lúc nào cũng nghĩ đến con đường vươn lên; là niềm tin mãnh liệt rằng sự kiên trì, chăm chỉ của mình sẽ được đền đáp. Cô đến với YouTube bằng một lý do ngọt ngào: Chiều lòng cậu con trai nhớ mẹ, nhớ những bữa cơm nhà, nhớ cảnh mẹ tất bật ngoài ruộng muốn quay clip làm kỷ niệm. Rồi đến khi có một chút thành công, sự thích thú, háo hức đợi video mới của khán giả, đôi khi một câu bình luận: “Cô làm cháu nhớ đến hình ảnh bà mình ở quê” của một người xa xứ cũng khiến cô bồi hồi... Với cô Cường, đó mới là “phần lãi” lớn nhất thu được khi làm YouTube.
Khi được hỏi suy nghĩ của cô khi có những phụ nữ nông thôn coi cô là người truyền cảm hứng, cô Cường cười vang: “Nếu nhờ những video của Ẩm thực mẹ làm mà ai đó thấy có động lực hơn để thay đổi cuộc sống hoặc làm một kênh YouTube của họ, tôi truyền được cảm hứng cho họ, thế thì tốt quá! Ai cũng có thể làm gì đó để khiến cuộc đời mình thay đổi, quan trọng là có đủ quyết tâm, học hỏi và kiên trì”.
Bây giờ cuộc sống thay đổi nhiều, phụ nữ có tiếng nói và nhiều cơ hội thành công hơn. Người phụ nữ, người mẹ nào cũng có trong mình tiềm năng, nội lực mạnh mẽ để làm được những việc phi thường, để sáng tạo, dù xung quanh họ đầy những rào cản. Quan trọng là họ tìm ra được động lực để kích phát nguồn năng lượng ấy trong mình hay không thôi”.
Người mẹ ấy chỉ “mong là sau này Hùng lấy được người vợ phù hợp nữa thì tôi yên tâm. Tôi không trăn trở quá nhiều về việc Ẩm thực mẹ làm có thể tiến xa đến đâu, nổi tiếng đến nhường nào, làm cách nào để kiếm được nhiều tiền hơn, xây lại nhà cửa cho thật sang xịn, mà chỉ muốn ngày ngày làm việc đồng áng, chăn thêm con gà con lợn, cùng con trai kể thật nhiều câu chuyện bình dị về cuộc sống thôn dã”.
Hành trình khởi nghiệp ở tuổi 54, khi đã trải qua nhiều gian truân của cô Cường không chỉ truyền cảm hứng, mà còn là minh chứng rõ ràng cho thấy bên trong mỗi người phụ nữ là nội lực và sức sáng tạo to lớn. Nhận thấy điều đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thuận lợi, đơn cử là chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế do nhãn hàng Sunlight phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Không chỉ khuyến khích “một nửa thế giới” phát huy tiềm năng bản thân, chương trình còn mang đến cơ hội làm kinh tế cho nhiều phụ nữ nông thôn. Trong năm nay, chương trình có mặt tại 10 tỉnh thành, hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh cho 2.000 phụ nữ và hỗ trợ vốn cho 1.000 dự án tiềm năng. Tin rằng, với những bệ đỡ như Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế, sẽ có thêm nhiều người vợ, người mẹ như cô Cường được khai phá hết tiềm năng, vươn lên làm kinh tế, tự mình viết nên những chương tươi đẹp trong cuộc sống của chính mình.