Từ nguồn tin của người dân, Thanh tra huyện Đức Trọng làm rõ nhiều sai phạm về tài chính
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, của ngành Thanh tra Lâm Đồng vừa diễn ra tại TP Đà Lạt…
Theo Chánh Thanh tra huyện Đức Trọng Võ Văn Tỉnh, trong năm 2021, đơn vị đã tổ chức 10 đoàn thanh tra hành chính; thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, kể cả thanh tra đột xuất. Trong đó, trên lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách gắn với thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, Thanh tra huyện đã tiến hành thanh tra trách nhiệm một số đơn vị, gồm: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Đức Trọng; Trường Tiểu học Tân Hội; UBND xã Tà Hine và Ninh Loan.
Qua thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục nhiều nội dung trong công tác quản lý tài chính ngân sách. Trong đó, nổi lên một số sai phạm trong công tác xây dựng, ban hành và thẩm tra Quy chế chi tiêu nội bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp thời cập nhật các quy định mới, văn bản hướng dẫn của cấp trên, dẫn đến quy chế chi tiêu chưa chặt chẽ, chính xác. Hồ sơ chứng từ chưa đảm bảo điều kiện thanh toán; hóa đơn thanh toán không đúng quy định, chi sai nguồn, chi vượt, chi trùng, chi không có người ký nhận. Việc ký hợp đồng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng chưa đảm bảo quy định; chi chế độ cho đối tượng thụ hưởng chưa kịp thời; một số khoản thu, nhất là trong trường học chưa đảm bảo quy trình, quy định; sổ sách, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, minh bạch. Thậm chí có trường hợp thu, chi trái quy định pháp luật.
Và kết quả qua thanh tra, Thanh tra huyện đã thu hồi số tiền sai phạm hơn 134 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời xử lý khác với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Qua đó, kiến nghị UBND huyện xử lý, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Riêng trong lĩnh vực quản lý tài chính (vụ việc xử lý trong năm 2021), vào cuối năm 2020, qua thanh tra trách nhiệm Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cơ quan Thanh tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình thanh tra, Thanh tra huyện đã thu hồi hơn 400 triệu đồng và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Trọng cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can, trong đó có Giám đốc Trung tâm.
Chánh Thanh tra huyện Đức Trọng cho biết: Qua công tác thanh tra cho thấy một số chủ tịch UBND xã và thủ trưởng đơn vị sự nghiệp có lúc chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài chính, thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành thu chi tài chính, không sâu sát, chặt chẽ việc thu, chi. Công tác tự kiểm tra nội bộ cũng chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa phát hiện và có các biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn sai phạm kịp thời. Bộ phận kế toán thì chủ quan, chưa nắm vững các quy định, chưa cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật liên quan tại từng thời điểm dẫn đến nhiều sai phạm. Cùng với đó, trong quá trình thanh tra, có đơn vị, địa phương phát sinh nhiều phản ánh, tố cáo nặc danh đối với người đứng đầu, cho thấy nội bộ có vấn đề, việc thực hiện quy chế dân chủ có lúc, có nơi cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Để có được các kết quả trên, theo Chánh Thanh tra huyện Đức Trọng, ngoài việc chuẩn bị, lên phương án, lập kế hoạch kỹ càng cho công tác thanh tra, cử cán bộ có uy tín, kinh nghiệm để đảm trách từng vụ việc công, Thanh tra huyện còn tập trung khai thác nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau, gồm: Cơ sở dự liệu hiện có của cơ quan; các báo cáo có liên quan đến đối tượng thanh tra; tài liệu quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; tình hình thực tế, tài liệu đơn vị dự kiến thanh tra, cả thông tin từ báo chí, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân… Đặc biệt, đã khai thác thông tin hiệu quả từ người dân, từ cán bộ, công chức có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra. Trong đó, uy tín cá nhân của cán bộ thanh tra đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Và, “Thực tế cho thấy một số nguồn tin của người dân, cán bộ, công chức cung cấp là cơ sở định hướng cho việc xác định nội dung cần đi sâu, làm rõ. Có thể nói, một số nội dung sai phạm sẽ không thể phát hiện nếu thiếu các nguồn thông tin này” - ông Võ Văn Tỉnh - Chánh Thanh tra huyện Đức Trọng bộc trực.
Cũng qua thực tế công tác thanh tra, cho thấy việc đánh giá chất lượng, hiệu quả thi hành nhiệm vụ đối với công chức cũng là vấn đề cần quan tâm đúng mức. Việc đánh giá phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai và minh bạch, đúng thực tế. Không để xảy ra những trường hợp cán bộ “sai đâu đánh đó”, hay “dĩ hòa vi quý”, thiếu quyết đoán trong xử lý công việc lại được đánh giá cao. Ngược lại, những cán bộ có phong cách làm việc thẳng thắn, kiên quyết, dám nói thẳng, nói thật có thể làm “mất lòng” một bộ phận cán bộ, đồng nghiệp, nhất là cán bộ lãnh đạo thì bị nhận xét, đánh giá không cao. Có như thế mới khơi dậy được động lực phấn đấu của công chức, khai thác được những tài năng thực sự, tạo điều kiện để những người này có cơ hội được cống hiến.
Mặt khác, qua thực tế làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ với xây dựng đội ngũ cán bộ và vai trò của người đứng đầu. Nơi nào cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện được vai trò gương mẫu, nhất là trong việc tự giác chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, để có những giải pháp chấn chỉnh phù hợp thì ở đó bộ máy đoàn kết, trong sạch, đồng tâm cộng lực trong thực hiện nhiệm vụ. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo thiếu gương mẫu, thiếu dân chủ, không công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, nhất là khi có vụ việc cần phải xem xét trách nhiệm có liên quan thì đổ trách nhiệm cho cấp dưới, chắc chắn nơi đó sẽ phát sinh đơn thư phản ánh, tố cáo và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác.