Tự nguyện góp sức bảo vệ đường biên, cột mốc
Với mong muốn góp sức xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hơn 34 năm qua, ông Hồ Văn Môn (tên thường gọi là Kôn Thương), ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông tình nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đóng chân trên địa bàn, ông đã góp phần xây dựng và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới tại địa phương.
Từ năm 1979, ông Kôn Thương đã dẫn các đoàn khảo sát cắm mốc và cùng bộ đội, bà con dân bản gùi cõng vật liệu phục vụ việc xây dựng các cột mốc trên địa bàn. Sau khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, hàng tháng, ông lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay băng rừng, vượt đèo, lội suối để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc ở biên giới Việt - Lào.
Đặc biệt, từ khi hai bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông và bản La Lay A Sói, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) tổ chức kết nghĩa bản - bản vào tháng 1/2007, ông Kôn Thương là một trong những người tích cực nhất trong phong trào tự quản đường biên, cột mốc cũng như xây dựng thế trận biên phòng toàn dân nơi biên giới.
Không kể ngày nắng hay ngày mưa, công việc bảo vệ đường biên, cột mốc được ông tự nguyện thực hiện một cách liên tục, bền bỉ, đầy trách nhiệm và tâm huyết. Mỗi lần đi làm nương rẫy, ông đều tranh thủ đi qua thăm các cột mốc biên giới trên địa bàn.
Mỗi lần cùng BĐBP tuần tra, ông đều đứng nghiêm trang, giơ tay chào cột mốc như một người lính. Kết thúc nghi thức chào cột mốc, ông lại cầm rựa phát quang những lùm cây, bụi cỏ dại bắt đầu mọc cao quanh khu vực mốc giới.
Rồi ông dùng chổi quét sạch lá cây, đắp lại đất ở những chỗ bị nước mưa làm xói mòn, sau đó cẩn thận đi vòng quanh xem từng vết sơn khắc cột mốc có bị mờ hay thân cột mốc có sứt mẻ, bị phá hoại gì không... để báo lực lượng BĐBP kịp thời xử lý.
“Tôi nghĩ rằng, các cột mốc chủ quyền này là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc. Là công dân Việt Nam, tôi cần phải có trách nhiệm chung tay bảo vệ, chăm sóc chu đáo, sạch đẹp”, ông Kôn Thương bộc bạch.
Ngoài việc tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với lực lượng biên phòng, với uy tín của mình, ông đến từng hộ gia đình tuyên truyền về tầm quan trọng của bảo vệ biên giới, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, vượt biên trái phép; vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, nắm và hiểu rõ các hiệp định, Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam và Lào để cùng nhau thực hiện. Ông còn thường xuyên động viên bà con vun đắp, giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tại các bản giáp biên.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay được giao quản lý, bảo vệ hơn 14 km đường biên, 5 mốc quốc giới và 2 cọc dấu.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, với vai trò, trách nhiệm và uy tín, vốn hiểu biết của mình, ông Kôn Thương đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ông cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh thôn bản, trật tự an toàn xã hội, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân hai bên biên giới.
Với ông Kôn Thương, việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của bản thân ông cũng như của mỗi người dân nơi địa bàn biên giới.
Do đó, ông cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ biên giới và vận động bà con dân bản tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự ở các bản, làng.
“Được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, tôi thấy rất tự hào và hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để gắn bó với công việc ý nghĩa này”, ông Kôn Thương chia sẻ.