'Tự nguyện ra hàng' – xu thế mới xuất hiện trong công cuộc 'Đả Hổ' của Trung Quốc năm 2019
So với thành tích quật ngã 23 con 'Hổ' tham nhũng của năm 2018 thì công cuộc 'Đả Hổ' ở Trung Quốc năm 2019 vẫn không hề giảm bớt. Ngày 16/12, trang mạng Tin tức đảng 'cpc.people.com.cn' trực thuộc Nhân dân Nhật báo đã công bố 'chiến tích' về cuộc chiến 'Đả Hổ' năm 2019 với hơn 40 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý.
Theo mạng Tin tức Đảng Cộng sản Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) đã công bố hơn 40 trường hợp cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý trong năm 2019; trong đó 22 người lần đầu tiên được thông báo và hơn 10 quan chức cấp tỉnh, bộ đã bị cách chức khi đang tại chức.
Số liệu cho thấy từ ngày 6 tháng 1, Trần Cương, Ủy viên Dự khuyết Trung ương khóa 18, Đảng ủy viên Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nguyên Phó Thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức, đến ngày 1 tháng 12 khi Mã Minh, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Khu tự trị Nội Mông bị điều tra, mục “Kiểm tra và Điều tra” trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã công bố thông tin về 20 quan chức diện Trung ương quản lý bị kiểm tra và điều tra. Ngoại trừ tháng 11, tháng nào cũng có cán bộ diện Trung ương quản lý bị ngã ngựa. Trong đó, tháng 5 và tháng 8 nhiều nhất với 3 người bị điều tra mỗi tháng.
Trần Cương, nguyên Phó Thị trưởng Bắc Kinh bị đưa ra xét xử hôm 7/11/2019 vì tội nhận hối lộ hơn 128 triệu Nhân dân tệ (hơn 448 tỷ VND)
Trong số các con “Hổ” bị quật ngã trong năm 2019, có ít nhất 11 quan chức cấp tỉnh và bộ đã bị điều tra khi đang giữ chức, chiếm hơn một nửa. Điều đáng chú ý là tuyệt đại đa số các quan chức này đều đến từ các khu vực quan trọng và giữ các vị trí trọng yếu. Trong đó không chỉ bao gồm các lãnh đạo chủ chốt đảng và chính quyền ở nhiều tỉnh, như Vân Quang Trung, Ủy viên Thường vụ khu ủy Khu tự trị Nội Mông kiêm Bí thư thành ủy Hovhot; Trương Kỳ, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy Hải Nam, Bí thư thành ủy Hải Khẩu; Lý Khiêm, Phó tỉnh trưởng Hà Bắc; Từ Quang, Phó tỉnh trưởng Hà Nam và Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Bành Vũ Hàng, v.v. các cán bộ lãnh đạo bị xử lý còn lại cũng liên quan đến một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm như tài chính, kiểm tra chất lượng và điện lực.
Ông Lưu Sĩ Dư, Ủy viên Trung ương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia, Chủ nhiệm Liên hiệp HTX mua bán toàn quốc bị khai trừ lưu đảng và cách chức.
Ngoài ra, qua nghiên cứu phát hiện thấy rằng các “Hổ” đương nhiệm nói trên có khoảng thời gian từ khi bắt đầu đảm nhiệm chức vụ đến khi bị điều tra người ngắn nhất chỉ mới 4 tháng và người lâu nhất là 7 năm. Trong số đó, Lưu Sĩ Dư, Ủy viên Trung ương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia, Phó bí thư đảng ủy, Chủ nhiệm Liên đoàn Hợp tác xã mua bán toàn Trung Quốc vừa đảm nhiệm chức vụ mới hồi tháng 1 năm 2019 và được thông báo điều tra 4 tháng sau đó. Dương Khắc Cần được bổ nhiệm Bí thư đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Cát Lâm tháng 2/2012, đến tháng 7/2019 thì bị điều tra như thế là tại chức hơn 7 năm.
Theo báo cáo thống kê công khai, tính đến thời điểm hiện tại, trong số những con “Hổ” được thông báo điều tra lần đầu tiên trong năm 2019, có 3 người đã bị xử lý kỷ luật đảng và chức vụ hành chính, 8 người đã bị chuyển sang cơ quan tư pháp, trong đó 3 đã bước vào giai đoạn tố tụng, 1 người bị bắt giam, 4 đã bị xét xử nhưng chưa tuyên án.
Ông Tần Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương, cựu Bí thư tỉnh ủy Vân Nam là quan chức cấp bộ, tỉnh đầu tiên ra đầu thú trong năm 2019.
Hướng Lực Lực, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hồ Nam chỉ mất 6 tháng để điều tra và đưa ra xét xử. Cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam Tần Quang Vinh đã bị truy tố 6 tháng sau khi bị ngã ngựa; Dương Khắc Cần Viện trưởng Kiểm sát tỉnh Cát Lâm bị “song khai” (khai trừ đảng và công chức” và bị bắt 5 tháng sau khi bị điều tra.
Điều đáng nói là kể từ năm 2018 đến nay, với việc hai quan chức là Ngải Văn Lễ, cựu Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hà Bắc và Vương Thiết, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam là hai quan chức cấp tỉnh và bộ lần lượt ra đầu thú, gây ra làn sóng quan tham phạm tội đua nhau đầu thú.
Năm 2019, “cơn sốt” đầu thú càng gia tăng. Vào ngày 9 tháng 5, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo Tần Quang Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, bị nghi ngờ vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng đã chủ động đầu thú. Là quan chức lãnh đạo cấp tỉnh và bộ đầu tiên ra đầu thú được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát và Giám sát Quốc gia công bố, chủ đề “đầu án tự thú” của Tần Quang Vinh đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi.
Vào thời điểm đó, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng bình luận rằng, việc chủ động ra đầu thú của Tần Quang Vinh đã hình thành sự răn đe và cảnh báo đối với các phần tử tham nhũng. Đối với các phần tử tham nhũng, phía trước là ngõ cụt đường cùng, cần nhận rõ tình thế, quay đầu càng sớm càng tốt và chủ động nói hết vấn đề cho tổ chức là lối thoát duy nhất.
Quan chức phạm tội chủ động ra đầu thú chịu sự xét xử theo pháp luật đang là xu thế mới trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc năm nay.
Sau 10 ngày trôi qua, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương một lần nữa đưa tin: “Đồng chí Lưu Sĩ Dư, Phó bí thư đảng ủy và Chủ nhiệm Hội đồng Hợp tác xã mua bán toàn quốc, liên quan đến việc vi phạm pháp luật, kỷ luật hiện đã chủ động đầu thú và đang hợp tác với việc kiểm tra và điều tra của UBKTKLTW - Ủy ban Giám sát quốc gia”.
Từ sau đó, các cụm từ “chủ động đầu thú”, “phối hợp kiểm tra, điều tra”...đã thường xuyên xuất hiện trong các thông tư của UBKTKLTW và Ủy ban Giám sát quốc gia. Trong vòng một tuần sau khi Lưu Sĩ Dư được thông báo, hàng chục quan chức đã chủ động ra đầu thú. Cho đến nay, các quan chức chủ động ra thú tội trong năm nay đã bao gồm đủ các quan chức cấp tỉnh và cấp quận, riêng cấp tỉnh đã có gần 20 người. Ở một số nơi, đã xuất hiện hiện tượng các quan chức mang theo vợ con ra thú tội. Điều này cũng có nghĩa là hiện tượng “tự nguyện ra hàng” đã trở thành một xu hướng mới trong công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc.