Từ nhà kho cũ thành mô hình điểm về tăng gia sản xuất
Đến Khu tăng gia sản xuất (TGSX) Bình Yên, thuộc Cục Hậu cần, Tổng cục Hậu cần (TCHC), tôi bất ngờ khi nhận thấy những gian nhà cấp 4 của Kho 286 (Cục Vận tải, TCHC, nay đã giải thể) giờ thành khu vườn rau cao cấp và các chuồng nuôi lợn, gà, đà điểu quy mô, khoa học.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, Trung tá Nguyễn Chí Cương, trước đây là cán bộ Kho 286, hiện được giao quản lý trực tiếp khu TGSX, phấn khởi chia sẻ: “Để có được khu TGSX như hiện nay là nhờ sự đầu tư đồng bộ, cùng công sức của hơn chục anh em ròng rã mấy năm qua. Chúng tôi mua đất thịt bên ngoài đổ lên nền nhà kho, sau đó ủ với phân xanh, các chất hữu cơ để tạo thành vườn trồng rau; các vườn bưởi, ổi, mít xanh tốt, đang ra quả này trước đây chính là hệ thống sân, đường nội bộ của Kho 286 đấy”.
Dẫn tôi đi tham quan toàn bộ khu TGSX, Đại tá Lê Ngọc Hồ, Trưởng phòng Quân nhu (Cục Hậu cần, TCHC) giải thích thêm: Nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ chất lượng, an toàn cung cấp cho bếp ăn cơ quan Tổng cục, năm 2020, thủ trưởng TCHC đã giao Cục Hậu cần quy hoạch lại một số khu doanh trại Kho 286 để cải tạo, xây dựng thành hệ thống vườn giàn, chuồng trại, triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Do khu vực có diện tích khá rộng nên bước đầu, Phòng Quân nhu xây dựng, lắp đặt gần 2.000m2 nhà màng trồng rau chất lượng cao trên nền đất; cải tạo 5.000m2 vườn trồng chuối và khu chuồng chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thịt, lợn thịt, đà điểu. Sau đó, tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt các nhà màng trồng rau trên nền đất và gần 700m2 nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ mới trên giá thể và rau thủy canh, cải tạo 6.000m2 vườn chuối, 7.000m2 trồng cỏ voi, xây dựng hệ thống tường rào, bể chứa nước và hạ tầng kỹ thuật, khuôn viên cùng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi; cải tạo chuồng trại chăn nuôi bò...
Đại tá Lê Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Hậu cần có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức TGSX quy mô lớn, tiết lộ thêm: “Điểm nổi bật của khu TGSX là các vườn rau trong nhà màng đều được lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động hiện đại và áp dụng quy trình trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Cách làm này vừa giảm công sức bộ đội, đồng thời bảo đảm tốt chất lượng sản phẩm”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, từ đội ngũ cán bộ, nhân viên cũ của Kho 286, Phòng Quân nhu đã lựa chọn rồi chia thành tổ chăn nuôi và tổ trồng trọt, sau đó bồi dưỡng, tập huấn các kỹ thuật chuyên môn. Vì vậy, mặc dù đều là nhân viên lái xe, kỹ thuật nhà kho, song đến nay, các thành viên đều nắm được cơ bản kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, duy trì, vận hành hiệu quả, an toàn khu TGSX. Thượng úy QNCN Nguyễn Ngọc Phúc, nhân viên tổ chăn nuôi, vốn là lái xe của Kho 286, chia sẻ: “Làm công việc chăn nuôi, quan trọng nhất phải có niềm đam mê để tìm hiểu kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh, phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Như với đàn đà điểu, trước đây chưa từng tiếp xúc, nhưng khi được giao chăm sóc, tôi đã tìm hiểu về đặc thù, tập tính sinh hoạt và giờ đã nuôi dưỡng thuần thục giống này”.
Với sự đầu tư đồng bộ, cùng sự nỗ lực, đam mê TGSX của cán bộ, nhân viên nơi đây, năm 2022, hệ thống vườn rau công nghệ cao của khu TGSX đã cung cấp gần 20 tấn rau, củ, quả chất lượng cao, hơn 1 tấn thịt lợn siêu nạc, hơn 3 tấn gà thịt, 20.000 quả trứng gà, gần 3 tấn thịt lợn rừng lai, hơn 1 tấn thịt đà điểu, đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm đưa vào bữa ăn thường xuyên và thực phẩm chất lượng cao ăn liên hoan ngày lễ tại bếp ăn cơ quan TCHC. Năm 2023, tính đến thời điểm này, khu TGSX đã cho thu hoạch hơn 25 tấn rau, củ, quả các loại, gần 3 tấn thịt gà, ngan, 2,5 tấn thịt bò, gần 3 tấn thịt lợn, hơn 1,5 tấn thịt đà điểu cùng hơn 24.000 quả trứng vịt; sản phẩm nhập bếp ăn cơ quan TCHC luôn có chi phí thấp hơn thị trường 10-15%. Tổng giá trị thu từ khu TGSX ước đạt hơn 1,42 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 213 triệu đồng so với mua bên ngoài.
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.