Từ nhà máy đến giảng đường...

Dù cuộc sống còn gặp những khó khăn nhất định nhưng nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã không ngừng phát huy tinh thần học tập nâng cao trình độ. Quá trình học tập càng thuận lợi hơn khi có sự động viên, hỗ trợ tích cực của tổ chức Công đoàn cơ sở.

Công nhân Công ty TNHH Cao su màu (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) trong giờ làm việc. Ảnh: Công Nghĩa

Công nhân Công ty TNHH Cao su màu (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) trong giờ làm việc. Ảnh: Công Nghĩa

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) từng có vinh dự tham gia cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ năm 2017. Khi đó chị Hương được Thủ tướng dành nhiều lời khen ngợi về tinh thần vượt mọi khó khăn, không đầu hàng số phận, quyết tâm tự học nâng cao trình độ cho mình.

* Quyết tâm vượt khó

Mồ côi cha từ năm 15 tuổi, khi học hết lớp 12, chị Hương trúng tuyển vào Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM) nhưng vì gia đình không có tiền nuôi ăn học, chị đành tạm gác lại ước mơ của mình để đi làm công nhân. Dù công việc vất vả nhưng chị Hương vẫn không quên sự học, chị chia sẻ: “Muốn thoát cái nghèo, cái khổ thì không còn con đường nào khác là phải học, phải có trình độ”.

Từ suy nghĩ đó, ban ngày chị đi làm, buổi tối chị tranh thủ đi học cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh (hệ vừa làm vừa học) tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi cách công ty chỉ hơn 1km.

Cuộc sống công nhân vừa làm vừa học khá vất vả, có nhiều hôm hoàn thành tăng ca bước ra khỏi công ty là 19 giờ, dù bụng đói và mệt nhưng chị vẫn chăm chỉ chạy một mạch qua trường học cho tới gần 21 giờ mới về nhà. Sau hơn 3 năm vất vả (từ năm 2017-2020) chị Hương cũng đã có được tấm bằng cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi có được tấm bằng trong tay, chị Hương đã được công ty xem xét, bố trí ở một vị trí công việc phù hợp, đồng thời được trả chế độ lương tốt hơn.

Chị Vũ Thị Hoài Thanh là công nhân của Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (TP.Biên Hòa). Học hết lớp 9, chị Thanh không có điều kiện học lên THPT mà ở nhà thay cha mẹ đi làm ăn xa chăm sóc các em. Đến khi đủ 18 tuổi đi làm công nhân, chị Hoài lại tiếp tục thực hiện ước mơ đi học của mình với suy nghĩ không khi nào là muộn. Năm 2019, chị tốt nghiệp chương trình bổ túc văn hóa THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, đồng thời tiếp tục học hệ cao đẳng may công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Đồng Nai. Chị Thanh vui mừng cho biết: “Cuối năm nay tôi sẽ hoàn thành chương trình cao đẳng nghề may công nghiệp. Tôi cũng tin tưởng rằng với chính sách ưu tiên cho những người được đào tạo qua trường lớp, tôi sẽ có công việc và thu nhập xứng đáng hơn”.

Anh Phan Thanh Tú, cán bộ quản lý tại Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Năm 2012, tôi bắt đầu vào làm việc tại công ty, quá trình làm việc nhờ chăm chỉ và chịu khó sáng tạo nên tôi được tạo điều kiện đi học đại học. Học xong đại học ngành Quản trị kinh doanh, tôi tiếp tục về lại công ty làm việc, đồng thời trở thành hạt nhân quan trọng không chỉ trong các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất mà còn trong các phong trào của Công đoàn, Đoàn Thanh niên...”. Năm 2016, anh Tú đã được kết nạp Đảng tại công ty và là số ít lao động có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

* Nuôi dưỡng ý chí cho người lao động

Là một trong những công ty nước ngoài có mặt sớm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, đến nay Công ty TNHH Hwaseung Vina, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc có hơn 20 ngàn lao động trong lĩnh vực sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Đến nay đã có hàng ngàn công nhân được công ty hỗ trợ hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa THPT, nhiều người được hỗ trợ đi học tin học, ngoại ngữ cơ bản, nhất là tiếng Anh và tiếng Hàn. Những công nhân có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hay trình độ cao đẳng, đại học trở lên đều được công ty xem xét, hỗ trợ phụ cấp thêm hằng tháng, do đó đã tác động tích cực đến tinh thần học tập của người lao động.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina Industrial Đinh Sỹ Phúc (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, tại công ty, cơ hội học tập và thăng tiến luôn rộng mở với người lao động kể cả với những công nhân làm việc giản đơn đến công nhân kỹ thuật có trình độ cao hơn. Công đoàn và công ty đã mở lớp bổ túc văn hóa, lớp tin học và ngoại ngữ cho công nhân sau giờ làm. Những công nhân đi học đều được hỗ trợ, đồng thời sau khi đi học về đều được xem xét vị trí việc làm và thu nhập. Ông Phúc chia sẻ thêm: “Anh chị em công nhân đi làm vất vả là thế mà họ còn chịu khó đi học được là điều rất quý, rất cần khuyến khích. Công nhân đi học lợi cho chính bản thân họ nhưng cũng là góp phần cho công ty phát triển ổn định và bền vững hơn vì trình độ và nhận thức được nâng cao sẽ góp phần tăng năng suất và kỷ luật lao động”.

Còn ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết, người lao động khi bước chân vào công ty được đào tạo nghề ngắn hạn, sau thời gian ngắn là đã có tay nghề, ổn định việc làm và thu nhập, thêm một thời gian rèn luyện là đã có tay nghề cứng. Trong quá trình làm việc, công ty rất chú trọng bồi dưỡng thêm tay nghề. Những công nhân có nhu cầu học tập phù hợp với nhu cầu của công ty đều được tạo điều kiện.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, phong trào học tập nâng cao trình độ đã mang lại nhiều tác động kép tới hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường làm việc ổn định của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến sự phát triển của tỉnh. Từ đó đã tạo ra hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động, làm lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp. Nhiều công ty đã xây dựng chính sách hỗ trợ công nhân học tập nâng cao trình độ, góp phần tích cực, tạo động lực cho công nhân tích cực học tập. Nhiều công ty còn có thêm chính sách thưởng cho công nhân có các chứng chỉ, bằng cấp bằng tiền mặt, tăng lương trước hạn khi có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết, đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên chuyển đổi số trong sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết công nhân cần phải tự học, không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng cho bản thân nếu như trong tương lai không muốn mất việc vào tay robot hay công nghệ tự động. Công đoàn sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tốt hơn, đồng thời tiếp tục kiến nghị Công đoàn cấp trên xây dựng thêm các khung chính sách hỗ trợ người lao động học tập nâng cao trình độ, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202104/tu-nha-may-den-giang-duong-3054598/