Từ nhận thức biến thành hành động

Tự bảo vệ bản thân bằng uống rượu, bia theo đúng khuyến nghị của ngành y tế để hạn chế mắc các bệnh không lây nhiễm. Đã uống rượu, bia thì không lái xe để nói không với nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. Có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng là có trách nhiệm với cộng đồng, với sự an sinh của xã hội.

Ảnh: nguồn Internet

Ảnh: nguồn Internet

Mặc dù đã bị tai nạn giao thông và phải nhập viện điều trị do uống rượu, bia và lái xe, có tới 67% số người bị tai nạn khi được phỏng vấn cho biết, họ vẫn tiếp tục lái xe sau khi say rượu, bia. Đây là kết quả mới nhất được công bố trong “Nghiên cứu Ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), phối hợp tổ chức.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù công tác tuần tra, xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia vẫn phổ biến, khiến tình tình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp bất chấp các quy định luật pháp hiện hành.

Ảnh: nguồn Internet

Ảnh: nguồn Internet

Khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người điều khiển xe máy nói chung, cho thấy người đi xe máy tự tiết lộ rằng hành vi lái xe sau khi uống rượu bia gây ra khoảng 11-17% các vụ tai nạn giao thông đối với bản thân họ.

Vậy làm thế nào để tuyên truyền hãy bắt đầu từ ý thức “Uống có trách nhiệm”? khi chính chủ thể dù đã gặp những tình huống nguy kịch tính mạng do rượu, bia vẫn đang hàng ngày sử dụng rượu, bia như một thực phẩm không thể thiếu.

Rõ ràng, người dân không bị hạn chế trong nhận thức về các tác động của rượu bia lên sức khỏe và khả năng kiểm soát tình huống nguy hiểm khi lái xe, mà họ chưa thể biến nhận thức đó thành hành động.

Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Thực hiện uống có trách nhiệm, người sử dụng rượu, bia hãy là người đầu tiên có trách nhiệm với chính bản thân mình, chính sức khỏe của mình. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu cũng có thể gây hậu quả nhất định đối với sức khỏe. Do đó, bác sĩ khuyến nghị người dân không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Để biến ý thức thành hành động, có thể nói, sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã gây một tác động rất lớn đến thói quen tiêu dùng, đến sự dễ tiếp cận rượu bia của Việt Nam. Khi mọi sự tuyên truyền, nêu cao ý thức không mang sức nặng trong quản lý nhà nước thì Luật sẽ điều chỉnh các hành vi lạm dụng rượu, bia; sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội.

Theo đó, với quy định mạnh mẽ của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia tại Điều 5: “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, từ ngày 1-1-2020, đàn ông Việt sẽ không rơi vào cảnh lưu hành phương tiện giao thông trong tình trạng ngất ngưởng, thậm chí biến thành những hung thần xa lộ cướp đi cơ hội được sống của bao nhiêu người, cướp đi hạnh phúc và tiếng cười của bao gia đình.

Luật cũng quy định “Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông” và quy định các cơ sở kinh doanh rượu, bia có phương án hỗ trợ các chủ phương tiện gọi xe công cộng về.

Theo tinh thần của Luật này, “uống có trách nhiệm” cũng là hạn chế sự sẵn có của rượu bia bằng việc cấm kinh doanh bia, rượu tại một số điểm công cộng; cấm quảng cáo từ 18 giờ đến 21 giờ; cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mãi rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đây là một loạt những quy định mang tinh thần trách nhiệm cao của ngành y tế nhằm ngăn chặn tác hại của rượu, bia lên sức khỏe con người. Và đặc biệt để thay đổi hành vi thói quen lâu đời rất khó, luật hướng tới hạn chế sự tiếp cận của rượu, bia với giới trẻ với hy vọng một thế hệ mới sẽ không vấp phải những thói quen tiêu dùng rượu, bia đang gia tăng chóng mặt trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, “uống có trách nhiệm” vẫn cần phải có thêm những quy định mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp, giảm tiêu thụ rượu bia. Hiện nay, giá và thuế rượu bia của Việt Nam đang rẻ so với mặt bằng thế giới, bằng 60% so với thế giới nên Bộ Y tế đánh giá, việc tăng thuế sẽ sớm được điều chỉnh trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

Tháng 5 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG), Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam đã khởi động chuỗi chương trình “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2019”. Chương trình đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn và nâng cao nhận thức “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng; truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho học sinh, sinh viên về tác hại của sử dụng đồ uống có cồn khi chưa đủ tuổi và hậu quả của việc lái xe sau khi uống rượu, bia...

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã gửi một thông điệp rất rõ đến toàn thể nhân dân là đã uống rượu bia đừng có lái xe. Do đó, cần phải gắn xử phạt với tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc chấp hành quy định của Luật.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang tiến hành sửa đổi Nghị định 46, đề ra mức xử phạt tối đa vi phạm nồng độ cồn với người đi xe đạp, xe thô sơ là sáu trăm nghìn đồng, đi xe mô tô, xe máy là tám triệu đồng, người đi ô tô lên tới 40 triệu đồng. Với mức xử phạt mạnh mẽ, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có được hiệu lực mạnh mẽ trong đời sống, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc vì rượu, bia gây ra.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/tu-nhan-thuc-bien-thanh-hanh-dong-1503830.tpo