Từ nhu cầu thị trường, đào tạo nghề phù hợp cho người lao động

Công tác đào tạo nghề muốn phát huy hiệu quả phải gắn với nhu cầu xã hội. Từ yêu cầu đó, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu thị trường. Nhờ đó, tỷ lệ học viên sau học nghề có việc làm ngày càng cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Dạy nghề điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Dạy nghề điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã đầu tư và củng cố các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu học nghề của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở đào tạo nghề tại các huyện và thành phố, với nhiều ngành nghề được mở phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã đổi mới phương thức tuyển sinh và công tác đào tạo nghề. Thay vì đợi học viên đến học, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nhất là học sinh các trường THCS, THPT. Cùng với đó, trường khảo sát nhu cầu tuyển dụng hiện nay và mời các doanh nghiệp tham gia giáo trình giảng dạy, nhất là phần thực hành cho học viên, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian qua, trường đặc biệt chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất. Nhà trường thường xuyên cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo và tiếp nhận những chương trình đào tạo từ nước ngoài đạt chuẩn quốc tế theo dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng và xã hội…

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Theo khảo sát của trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, kết thúc năm học 2019 - 2020, nhà trường đã tổ chức đào tạo cho gần 1.700 học viên, sinh viên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97%, trên 85% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm với thu nhập đạt từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đây thực sự là kết quả đáng mừng ghi nhận cho những nỗ lực của nhà trường trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của từng địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện đã rà soát, mở lớp đào tạo nghề ngắn ngày cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều lớp dạy nghề ngắn ngày đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như nghề trồng chè Shan tuyết ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa; nghề may, gò hàn ở Sơn Dương; nghề mộc, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp ở Chiêm Hóa; dạy nghề chăn nuôi cây, con đặc sản ở Lâm Bình; dạy nghề nuôi cá lồng ở Hàm Yên… Đồng chí Lý Thị Hải Hiền, Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 9.273 lao động nông thôn, đạt 115% kế hoạch năm. Nhờ các lớp đào tạo nghề được tổ chức hiệu quả giúp nhiều học viên ứng dụng kiến thức từ nghề đã học để phát triển mô hình sản xuất tại gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương liên kết đào tạocông nhân may cho Công ty TNHH May Long Hà (Sơn Dương). Ảnh: K.T

Kết quả khả quan, mục tiêu rõ ràng

Việc tuyển sinh, đào tạo nghề ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp tại các địa phương đã giúp nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Anh Nguyễn Văn Thường ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) sau khi học nghề lái xe ô tô ở trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ đã vay vốn mua ô tô tải phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa đem lại thu nhập trên 100 triệu mỗi năm. Anh Thường cho biết, quan trọng là lựa chọn nghề học phù hợp để phát triển ổn định, lâu dài.

Còn anh Nguyễn Trung Hiếu ở xã Hòa An (Chiêm Hóa) lại chọn học nghề vận hành máy thi công nền tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa. Hiện nay, anh Hiếu đang làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Bắc Ninh với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Anh Hiếu chia sẻ, anh hài lòng với nghề đã chọn, làm nghề gì cũng phải tâm huyết, “yêu nghề, nghề để của cho”.

Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) sau khi học nghề mây tre đan đã phát triển nghề,góp phần tăng thu nhập.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu thị trường thì việc định hướng nghề nghiệp luôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch phân luồng hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, triển khai kế hoạch đào tạo nghề theo từng năm và theo giai đoạn. Tỉnh phấn đấu đến 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, có văn bằng chứng chỉ là 30%.

Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo nghề tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả công tác đào tạo nghề mang lại. Coi việc rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong xã hội là khâu then chốt để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp hiện nay; đẩy mạnh liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện việc đào tạo gắn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa…

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các hộ dân làm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, sở và các huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong nước tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề, mỗi lớp cho 50 học viên về lĩnh vực dịch vụ du lịch. Nội dung đào tạo tập trung vào nâng cao kỹ năng ứng xử cho học viên, kỹ năng chế biến món ăn dân tộc, quản lý buồng phòng và trang bị cho học viên kiến thức văn hóa để thực hành nghề nghiệp hiệu quả... Việc đào tạo nghề dịch vụ du lịch khác với các ngành nghề khác, bởi đây là nghề liên quan đến giao tiếp, văn hóa ứng xử, do đó đòi hỏi học viên thực sự phải có niềm đam mê với nghề. Tôi cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nghề nghiệp tập trung vào lĩnh vực đột phá đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình

Hàng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Nhiều lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, các lớp hướng dẫn thực hành du lịch cộng đồng, giúp người lao động có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các trường nghề thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Bà Phan Thị Bình, thôn Thắng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn)

Tôi cho rằng, các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để mở các lớp dạy nghề phù hợp. Các lớp học nghề phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề. Thực tế, không ít lao động sau học nghề ở địa phương chưa tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy nghề, mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngay tại thôn, bản để người dân trực tiếp thực hành trên đồng ruộng của gia đình mình, từ đó việc học nghề sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/tu-nhu-cau-thi-truong-dao-tao-nghe-phu-hop-cho-nguoi-lao-dong-140007.html