Từ những 'điểm sáng' trong xây dựng xã hội học tập
Thực hiện Đề án
Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập; tổ chức hội nghị; cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan tới các chi bộ, chi hội, ban khuyến học; gắn việc thực hiện Đề án với phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã có 12/15 thôn, xóm đăng ký phấn đấu danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 996/1.200 gia đình phấn đấu danh hiệu “Gia đình học tập”. Đến nay, cả 12 thôn, xóm đăng ký đã đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 663 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”. Thực hiện xây dựng xã hội học tập, xã Phương Định (Trực Ninh) đã phát triển sâu rộng phong trào khuyến học khuyến tài và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, những người con thành đạt xa quê. Đến nay 100% thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn xã đều có chi hội khuyến học; 40 đơn vị đăng ký xây dựng chi hội khuyến học; đã có 19 chi hội, dòng họ được tặng bức trướng khuyến học, 9 chi hội khuyến học được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen; 1.500 gia đình được công nhận gia đình hiếu học - gia đình học tập, 235 gia đình có từ 3 đến 5 người có trình độ đại học. Toàn xã có số dư quỹ khuyến học trên 1 tỷ đồng, giữ vững đơn vị mạnh ở tốp đầu của huyện. Để duy trì nền nếp hoạt động, Hội Khuyến học xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; tập trung vào công tác xây dựng gia đình, thôn làng, dòng họ thi đua học tập, người lớn, trẻ em tích cực tham gia học tập.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay Đề án xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã lan tỏa sâu rộng. Số gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 60,3% gia đình (344.712 gia đình) đã đăng ký gia đình học tập, trong đó 52,6% gia đình được công nhận; 87,6% dòng họ đã đăng ký dòng họ học tập, trong đó 69,1% dòng họ được công nhận dòng họ học tập; 82% thôn làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập và được công nhận là 66%; 87,5% đơn vị đã đăng ký đơn vị học tập và 77,2% đơn vị được công nhận. Về cộng đồng học tập cấp xã, có 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký; trong đó có 148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận, đạt 64,6%. Toàn tỉnh có 5.269 chi hội khuyến học, tăng 184 chi hội so với năm 2017; 5.793 ban khuyến học dòng họ. Số hội viên khuyến học tăng hơn năm 2017 là 33.621 hội viên; đưa tỷ lệ hội viên khuyến học lên gần 29% dân số…
Để đạt được kết quả trên, Hội Khuyến học tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nội dung của Đề án xây dựng xã hội học tập; tổ chức nhiều lớp tập huấn về nội dung Đề án, các yêu cầu về nhân rộng các mô hình học tập cho cán bộ hội của 229 xã, phường, thị trấn. Hội Khuyến học các huyện, thành phố cũng tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ khuyến học. Các cấp Hội Khuyến học cơ sở làm tốt việc trang bị kiến thức và yêu cầu học tập cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, hội viên khuyến học và nhân dân trong thôn, tổ dân phố, cộng đồng, dân cư. Đến nay, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò của việc xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên. Nếu như trước đây nhận thức về công tác khuyến học chỉ là khuyến khích hỗ trợ việc học với những tiêu chí khuyến khích trong “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, “Đơn vị khuyến học” thì nay đã nâng lên tầm nhận thức mới với những tiêu chí học tập của “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, tiến tới xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở đến quy mô toàn tỉnh. Qua đó, phong trào học tập và ý thức học tập suốt đời đã tác động tới mọi tầng lớp nhân dân; việc học đã trở thành nhu cầu. Người dân tích cực tham gia các lớp học cộng đồng, thúc đẩy các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động ngày càng hiệu quả. Phong trào xây dựng xã hội học tập đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương qua việc khôi phục, phát huy các nghề truyền thống, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở mang ngành nghề mới… Với việc thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, đã thúc đẩy sự phát triển hội khuyến học các cấp cả về số và chất lượng. Tổ chức Hội tiếp tục phát triển ngày càng sâu rộng trong dòng họ, cộng đồng, đơn vị, nhà chùa, xứ họ đạo, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng… Số hội viên khuyến học toàn tỉnh hiện chiếm trên 29% dân số. Các gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn, làng, tổ dân phố, đơn vị đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu học tập ngày càng tăng. Quỹ khuyến học toàn tỉnh tăng mạnh. Tổng quỹ khuyến học huy động trong hơn 3 năm (từ 2015 đến 2018) là 95.172 triệu đồng; đã khen thưởng và trao học bổng 47.709 triệu đồng. Riêng Hội Khuyến học tỉnh 3 năm qua đã vận động được 8.194 triệu đồng, đã trao học bổng 7.983 triệu đồng, mỗi suất học bổng từ 1 đến 4,4 triệu đồng, trong đó có 3.000 xe đạp. Đến nay có 8/10 huyện, thành phố có quỹ khuyến học mang tên danh nhân lịch sử; trong đó cao nhất là Quỹ khuyến học Phạm Văn Nghị, huyện Nghĩa Hưng đạt 4,4 tỷ đồng. Hầu hết các tổ chức khuyến học cơ sở đều có quỹ, 55 dòng họ có quỹ từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng (họ Phạm xã Nam Thanh, Nam Trực có quỹ 4 tỷ đồng); 55 xã, phường, thị trấn có quỹ khuyến học từ 100 triệu đồng đến hơn 3.320 triệu đồng (xã Hải An, Hải Hậu có quỹ khuyến học 3.320 triệu đồng).
Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập chính là sự tích cực, chung tay của toàn xã hội, sự lan tỏa ý thức xây dựng phong trào khuyến học trong từng con người, gia đình, dòng họ. Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập đạt kết quả tốt đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế, đẩy lùi tệ nạn xã hội, ổn định an ninh trật tự ở các địa phương trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận