Từ những tấm gương đảng viên 'miệng nói, tay làm' (kỳ 1)
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để xây dựng thành công các mô hình, phương thức sản xuất mới áp dụng hiệu quả vào thực tiễn ở nhiều địa phương có vai trò quyết định của những cán bộ, đảng viên chủ chốt. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để xây dựng thành công các mô hình, phương thức sản xuất mới áp dụng hiệu quả vào thực tiễn ở nhiều địa phương có vai trò quyết định của những cán bộ, đảng viên chủ chốt. Những “hạt giống đỏ” ấy đã góp phần khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo từ sự nêu gương bản thân nói đi đôi với làm và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
I. “Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”
Xã Yên Cường là vùng đồng màu trọng điểm của huyện Ý Yên. Cũng như nhiều vùng nông nghiệp khác trong tỉnh, suốt một thời gian dài trước đây người dân xã Yên Cường quen với việc lạm dụng phân bón hóa học trong canh tác khiến đất bạc màu, năng suất rau màu không cao, hiệu quả kinh tế kém. Trong khi xu thế thị trường lại dần quay trở lại ưa chuộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch, an toàn, không tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất tăng trưởng. Tuy nhiên, đưa phân bón hóa học vào sản xuất thì nhanh và dễ, nhưng thay đổi trở lại phương thức sản xuất hữu cơ như cũ thì không hề đơn giản, bởi không chỉ là việc ủ phân tự nhiên, sử dụng chế phẩm sinh học… mà phải bắt đầu từ cải tạo đất đai đã bị chai hóa, bạc màu. Người nông dân vốn quen với việc sử dụng phân bón hóa học vừa nhàn, nhà cửa, ruộng vườn sạch sẽ không có mùi phân gio. Chưa kể là tác dụng của các loại phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật hóa học thường thấy ngay. Đó là một loạt vấn đề thực tiễn đặt ra đối với cấp ủy Đảng, chính quyền xã Yên Cường khi lựa chọn hướng sản xuất hữu cơ để phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm thay đổi phương thức lại sản xuất thì chỉ mươi năm nữa hàng trăm ha đất màu mỡ phì nhiêu sẽ không còn canh tác được nữa. Để thực hiện thành công chương trình, xã đưa ra lộ trình: năm 2016 hoàn thành việc sản xuất phân hữu cơ bón ruộng để phục hồi đất canh tác quy mô toàn xã; năm 2017 tập trung tích tụ ruộng đất tạo vùng canh tác lớn để tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa và tìm thị trường cho nông sản hữu cơ và năm 2018 xây dựng thương hiệu cho nông sản sạch địa phương. Với tinh thần trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chiển đã dành thời gian tổ chức hơn 200 cuộc nói chuyện, thảo luận với cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới ở hầu hết các chi bộ Đảng, tổ, đội sản xuất, trực tiếp tham gia trao đổi, giải đáp các vấn đề được nêu từ cơ sở để tạo sự đồng thuận của người dân tham gia dự án. Sự xông xáo, quyết liệt, sâu sát của đồng chí Chủ tịch UBND xã đã nêu gương thiết thực, cụ thể, tạo lực đẩy cho cả bộ máy, tập thể cán bộ, đảng viên toàn đảng bộ xã vào cuộc “cách mạng” tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, chương trình đã thành công theo đúng lộ trình đặt ra. Người dân thực sự phấn khởi, có động lực, hăng hái tham gia phong trào khi sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực, giá trị lao động tăng lên. Đến nay, thương hiệu rau sạch Yên Cường không chỉ có chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu. Kết quả bước đầu thực sự tạo cuộc “cách mạng” trong tư duy và thực tiễn sản xuất nông nghiệp không phụ thuộc vào hóa chất, tạo cơ hội tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại.
Tại xã Xuân Phong (Xuân Trường), Chủ tịch UBND xã đã có cách làm hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất xây dựng tuyến đường liên huyện Bắc Phong Đài góp phần hoàn thành sớm công trình đã được các đảng viên trong đảng bộ và toàn thể nhân dân và các địa phương lân cận ghi nhận. Năm 2018, xã Xuân Phong cùng một lúc được thụ hưởng 2 dự án đầu tư hạ tầng lớn là nâng cấp đường Bắc Phong Đài và nạo vét, kiên cố sông Cát Xuyên. Đây là cơ hội lớn để xã hiện đại hóa hạ tầng giao thông, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng của xã cũng là thách thức lớn đặt ra: giải phóng mặt bằng trên chiều dài 6km chạy qua địa bàn, liên quan đến 145 hộ dân, trong đó có nhiều trường hợp chủ hộ đã đi làm ăn xa quê lâu năm trong khi thời gian thực hiện dự án gấp rút, đặc biệt là việc thu hồi đất này không có sự hỗ trợ kinh phí đền bù của Nhà nước. Để hoàn thành nhiệm vụ kịp tiến độ triển khai dự án, một mặt xã đẩy mạnh tuyên truyền thuyết phục người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, góp đất xây dựng quê hương, phân tích để người dân thấy rõ những lợi ích của việc tranh thủ dự án hỗ trợ của Nhà nước để có công trình hạ tầng với việc người dân phải đóng góp tiền hàng năm để làm đường vừa kéo dài thời gian, vừa khó có được công trình đáp ứng yêu cầu nhằm để thuyết phục người dân và xây dựng các gương điển hình để người dân làm theo. Bằng những biện pháp này, ngay trong giai đoạn đầu đã có 100 hộ gia đình chấp thuận phương án giải tỏa, 45 hộ còn lại băn khoăn thiệt hơn, trong đó có một số hộ xa quê lâu năm. Gọi điện thoại vận động thuyết phục không thành công, lãnh đạo xã quyết định tổ chức đoàn cán bộ đương nhiệm và đồng chí nguyên Chủ tịch UBND xã vào Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp vận động. 4 ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra 3 cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo xã và các thành viên gia đình ông Phạm Văn Lưu để vận động, thuyết phục gia đình chia sẻ lợi ích vì sự đổi mới của quê hương. Đến cuối chuyến công tác, khi Chủ tịch UBND xã gọi điện tạm biệt thì gia đình mới nhận lời sẽ sắp xếp công việc để về quê giải quyết việc hiến đất làm đường. Nhờ đó, chỉ trong vòng từ tháng 4-2018 đến tháng 1-2019, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án của xã Xuân Phong là đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhất trong 7 xã mà tuyến đường Bắc Phong Đài chạy qua đã xong trước kế hoạch.
Đặc thù của xã Điền Xá (Nam Trực) có số dân ít nhưng kinh tế phát triển sôi động bởi có làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê và làng đan mành tre Đỗ Xá luôn tấp nập khách bán mua ở cả trong và ngoài nước. Đây là một thuận lợi của địa phương trong phát triển kinh tế nhưng lại cũng phát sinh khó khăn khi phát động việc xây dựng các phong trào thi đua cũng như tạo sự đồng thuận giữa các hộ dân. Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền xã vừa có sự xáo trộn, một số cán bộ sai phạm bị xử lý, trong đó có cả trường hợp phải xử lý hình sự khiến tâm lý cán bộ bị ảnh hưởng, khó triển khai những nhiệm vụ lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi xã được huyện chọn là đơn vị xây dựng mô hình làng nghề nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển kinh tế sinh vật cảnh gắn với du lịch sinh thái nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nét tinh hoa của làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê. Đứng mũi chịu sào trong bối cảnh đầy khó khăn, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Văn Khánh thường xuyên động viên “sốc” lại tinh thần cho các cán bộ, đảng viên, yêu cầu cán bộ công chức xã chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và nắm vững chuyên môn, tổ chức công việc khoa học; phân công trách nhiệm công việc cụ thể cho từng cấp, từng bộ phận chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính. Đối với người dân, đồng chí kiên trì vận động, thuyết phục để mọi người hiểu mục đích các phong trào thi đua nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng là cho chính người dân, sự đóng góp của các gia đình có thể không đều nhau song đều góp sức tạo thành phong trào chung, hiệu quả vì sự đổi thay tích cực hơn cho cuộc sống của họ để tạo sự đồng thuận chung. Phó Chủ tịch xã Đoàn Văn Khánh đã chọn những hộ điển hình có tinh thần vì tập thể cao để triển khai mẫu và từ hiệu quả đạt được sẽ tác động trở lại cộng đồng dân cư. Tập trung toàn tâm, toàn ý cho công việc, với cách làm khoa học, anh Khánh đã cùng tập thể lãnh đạo xã Điền Xá hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nhận xét về sự thành công của xã Điền Xá nói chung và cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch nói riêng, hầu hết người dân trong xã mà chúng tôi gặp đều nói đó là kết quả của sự nhất trí đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, khi “ý Đảng - lòng dân” đồng thuận tạo thành dòng chảy chung.
Nhờ phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” góp phần tháo gỡ những “nút thắt” tưởng như nan giải ở các địa phương trong triển khai các phong trào thi đua nói chung, chương trình xây dưng nông thôn mới nói riêng. Mối quan hệ giữa lãnh đạo địa phương với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng mật thiết hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương