Từ những vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Báo động lệch chuẩn đạo đức, lối sống
Những năm gần đây tình trạng bạo lực học sinh nữ diễn ra phức tạp. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe học sinh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống văn hóa, lối sống, kỉ cương trường lớp…
Không thể buông lỏng giáo dục
Thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ bạo lực học sinh (HS) nữ với tính chất phức tạp không thua kém HS nam. Từ đánh bạn vào đầu bằng ghế nhựa, chân tay, gạch đá; đấm đá vào mặt, các vị trí nguy hiểm tính mạng… tới cắt tóc, lột quần áo để hạ nhục đối phương nơi đông người.
Không dừng lại ở mâu thuẫn và gây lộn cá nhân, HS nữ còn tấn công nhau theo nhóm. Đánh bạn chỉ vì ghen tuông, nhìn đểu, vì thích người mình đã thích; đánh để thể hiện vai trò vị trí trong nhóm, lớp; Đánh vì bị lôi kéo, hay gặp xúc phạm dù nhỏ hay lớn…
Có thể nói, tính chất nguy hiểm tới số lượng các vụ bạo lực học đường HS nữ đã ở mức báo động, đáng lo lắng và đòi hỏi các gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm sát sao, cấp thiết đưa ra giải pháp ngăn chặn, giáo dục.
TS tâm lý chuyên ngành giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) trao đổi: HS cấp THCS, THPT ở giai đoạn bắt đầu phát triển và có nhiều biến đổi trong tính cách, cư xử. Do đó, dù là nữ thì các em cũng có sự nổi loạn, thích khẳng định bản thân, ngang ngược… dẫn tới hành vi, lối sống, tư tưởng sai trái chẳng khác gì HS nam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nữ và đạo đức HS nữ xuống cấp được TS Vũ Việt Anh đánh giá 3 tác động chính là xã hội, gia đình và nhà trường.
Khi xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống cao hơn. Ngoài những hình thức vui chơi, giải trí lành mạnh cũng xuất hiện nhiều hình thức không lành mạnh làm ảnh hưởng đến việc học tập, nhân cách HS nữ.
Nhiều nữ sinh bị lôi cuốn vào các trang web đen, có nội dung, đồi trụy… khiến các em dù chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng đã biết đến các vấn đề sex, giới tính không lành mạnh.
Về phía gia đình, không ít phụ huynh nghĩ con gái không đáng lo lắng nên chủ quan, thiếu quan tâm từ việc học tập của con đến suy nghĩ hành động và thậm chí buông lỏng mọi hoạt động học tập, sinh hoạt tại nhà, trường lớp.
Bên cạnh đó lại có những phụ huynh chiều con, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất khiến trẻ sớm chạy theo lối sống sành điệu, sang chảnh không phù hợp lứa tuổi…
Cần sự chung sức nhiều phía
Có thể nói, để loại bỏ tình trạng bạo lực học đường nói chung, bạo lực ở học sinh nữ nói riêng thì có sự chung sức của cả gia đình, nhà trường xã hội.
Cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: Ở nhiều trường học đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, câu lạc bộ… nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giao lưu và chia sẻ để tăng mối đoàn kết giữa HS, từ đó từng bước ngăn chặn bạo lực học đường.
Có nhà trường còn tổ chức các Câu lạc bộ tiếng Anh giao tiếp; giáo dục kĩ năng sống; thể dục thể thao; Tin học… với hình thức hoạt động phong phú nhằm kéo HS ra khỏi thế giới ảo của game online và hạn chế đáng kể những tác động xấu từ trò chơi bạo lực.
Đặc biệt, để tích cực phòng chống bạo lực ở học sinh nữ nhiều nhà trường đã tổ chức các CLB khéo tay hay làm; Căm hoa nghệ thuật; hát dân ca… hướng tới những giá trị truyền thống, khơi dậy ở HS nữ những nét đẹp duyên dáng, thùy mị, nết na; những nét thanh lịch, nền nã của con gái. Đó là cách giáo dục nhẹ nhàng và sâu sắc và không kém hiệu quả…
Tuy nhiên, nếu chỉ nhà trường vào cuộc thì chưa đủ, TS Vũ Việt Anh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình để chú ý các mối quan hệ bạn bè của HS nữ; các em nữ giải tỏa những lệch lạc trong suy nghĩ, cách ứng xử với bạn bè hoặc những mâu thuẫn giữa các bạn.
Không trừ cả trường hợp nhà trường cần thường xuyên có mối liên hệ với công an địa phương để phát hiện, giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, an toàn của HS nữ. Khi có mâu thuẫn manh nha lực lượng chức năng cần phối hợp với nhà trường, gia đình để giải quyết triệt để tránh tình trạng để lâu đẩy sự việc ra xa và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng) cũng bày tỏ quan điểm: Gia đình phải là người gần gũi nhất với HS để thấy được sự bất thường hay suy nghĩ, hành động lệch lạc của các em để có thể định hướng kịp thời, báo lại cho nhà trường, GV chủ nhiệm cùng phối hợp giáo dục.
Cha mẹ HS cũng cần tìm hiểu những kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, những kỹ năng sống… để phối hợp cùng nhà trường giáo dục kịp thời.
Về phía các ban ngành, tổ chức xã hội có liên quan cần thường xuyên chia sẻ với các nhà trường những thông tin, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền để các nhà trường thuận lợi hơn trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho HS nói chung, loại bỏ bao lực HS nữ nói riêng…