Từ Nixon tới Trump, cơn ác mộng dài nước Mỹ vẫn chưa vượt qua
Đối diện nguy cơ luận tội, Tổng thống Trump đang sở hữu lợi thế mà hai người tiền nhiệm đồng cảnh ngộ không có: mạng xã hội và đội quân truyền thông đồng minh hùng hậu.
Khi chứng kiến Tổng thống Gerald Ford ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon và tuyên bố "cơn ác mộng dài của nước Mỹ đã trôi qua", tôi tin nó vẫn còn đó.
Nước Mỹ từng có những khúc cua tương tự trong lịch sử, với việc luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998 vì nói dối sau tuyên thệ và việc suýt luận tội Tổng thống Richard Nixon vì cản trở công lý năm 1974.
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đang có những khúc quanh và diễn biến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Mỹ.
Đội quân đồng minh hùng hậu
Điều đáng chú ý khi so sánh các lần trước là ông Nixon và ông Clinton đều nói dối - phản ứng tự nhiên của những người phạm tội. Sự che đậy, sau khi bị phát hiện, càng hủy hoại hình ảnh của họ. Ngay lúc này, ông Trump và các cộng sự cũng đang áp dụng chiến lược tương tự.
Trong khi trận chiến trong lòng nước Mỹ vẫn kịch liệt giữa hai đảng, ông Trump có lợi thế mà ông Nixon và ông Clinton không có: đội quân đồng minh hùng hậu bao gồm các đài phát thanh, truyền hình lớn nhỏ trên cả nước Mỹ, cùng chủ sở hữu là tập đoàn Sinclair Broadcast Group thân Trump (công ty sở hữu các kênh truyền hình địa phương lớn nhất ở Mỹ). Tweet của ông Trump được mạng lưới các đài này chuyển tải đến khán giả khắp nước Mỹ.
Ông Trump có lợi thế mà ông Nixon và ông Clinton không có: đội quân đồng minh hùng hậu bao gồm các đài phát thanh, truyền hình lớn nhỏ trên cả nước Mỹ.
Mạng xã hội đã xóa mờ ranh giới giữa sự thật và bịa đặt, khiến công chúng phải hình thành quan điểm dựa vào thông tin sai lệch. Hoặc vì quá mệt mỏi mà họ lờ đi mọi diễn biến chính trị.
Các kênh truyền hình còn khiến cuộc đấu gay gắt hơn: MSNBC ngả về phía cánh tả, đảng Dân chủ. Fox ngả về cựu hữu, lờ đi sự thật, và trở thành cái loa truyền thanh cho Nhà Trắng.
Người dẫn chương trình Sean Hannity “nhào nặn” các bản tin để phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình. Ông và các đồng nghiệp khác của Fox đã hoàn chỉnh cỗ máy “lá cải hóa”, biến mọi diễn biến thành các câu dễ nghe, dễ nhớ dù sai sự thật. Fox có lượng người xem lớn hơn MSNBC và CNN, và có lẽ điều này mang lại sự ủng hộ và lá phiếu cho ông Trump?
Nhiều người theo đảng Dân chủ hy vọng cuộc điều tra sẽ kiểm chứng được các cáo buộc sai phạm của tổng thống trong đơn tố giác. Tuy nhiên, các lệnh triệu tập ra làm chứng có thể vấp phải sự chống đối quyết liệt. Một số người khác lo rằng để xây dựng các lập luận chặt chẽ sẽ mất quá nhiều thời gian và tạo rủi ro lớn cho bầu cử 2020.
Và cũng có những ý kiến nói bằng chứng đầy đủ chính là cuộc gọi Ukraine của ông Trump, vốn hiển nhiên như việc băng ghi âm chứng minh Tổng thống Nixon sai phạm.
“Cơn ác mộng dài” trở lại
Để đánh giá ván cờ luận tội hiện nay, cần nhìn lại di sản của bê bối Watergate. Nixon là tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ từ chức, vì cuộc điều tra luận tội khơi ra những bằng chứng không thể chối cãi về cản trở công lý.
Thậm chí, các nghị sĩ Cộng hòa cùng đảng cũng cảnh báo Thượng viện sẽ cách chức ông, sau khi phát hiện băng ghi âm cuộc gọi của tổng thống - bằng chứng của nỗ lực che đậy vụ đột nhập Watergate, nơi có trụ sở đảng Dân chủ.
Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đang diễn ra gấp rút. Điều chưa từng thấy là sự hối hả trong việc tiến hành điều tra bên phía đảng Dân chủ.
Thế nhưng, khoảnh khắc Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức sau nhiều năm bê bối Watergate đã khắc in sâu vào trí nhớ của người Mỹ, do vậy nó thường khiến dư luận hiểu nhầm rằng chính sự quyết liệt phanh phui sự thật của tờ Washington Post đã hạ bệ một tổng thống Mỹ.
Trên thực tế, giữa lúc Bob Woodward và Carl Bernstein đang theo đến cùng các manh mối và tờ Post đăng tải các bài điều tra, ông Nixon vẫn tái đắc cử vào năm 1972 với cách biệt lớn so với đối thủ.
Đối với hai cuộc luận tội còn lại trong lịch sử, nhắm vào Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998, Thượng viện đều không quyết định cách chức tổng thống.
Trong vụ Clinton, đa số dư luận không ủng hộ, vì cho rằng việc ông ngoại tình rồi nói dối về việc đó không phải cơ sở để luận tội. Nếu bê bối đó lặp lại trong thời đại của phong trào #MeToo (ủng hộ các phụ nữ bị quấy rối tình dục lên tiếng), kết cục có lẽ đã khác.
Và hiện nay, cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đang diễn ra gấp rút. Điều chưa từng thấy là sự hối hả trong việc tiến hành điều tra bên phía đảng Dân chủ.
Khi đọc toàn văn đơn tố giác, tôi cho rằng chừng ấy cáo buộc là chưa đủ, trừ khi có những cố vấn Nhà Trắng khác lên tiếng. Điểm yếu của đơn tố giác này là thông tin gián tiếp và mang tính suy đoán, dựa vào một số bản tin trên báo chí.
Điểm mạnh nhất của đơn tố giác là cáo buộc Nhà Trắng đã che đậy cuộc gọi giữa tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine, bằng cách lưu trữ cuộc gọi đó trong hệ thống mật chỉ dành cho các chiến dịch tình báo được mã hóa, nhằm giới hạn số người có thể truy cập. Nhưng cáo buộc che đậy đó vẫn cần phải được chứng minh.
Bất chấp sự chống đối của ông Trump, nếu phe Dân chủ có thể kiểm chứng được các cáo buộc - và đó là một chữ “nếu” không hề nhỏ - đó có thể sẽ là cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với ông, ngang với những bê bối đã buộc Tổng thống Nixon phải từ chức.
Chính trị Mỹ vẫn nặng nề đảng phái, nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, bầu không khí trở nên độc hại hơn bao giờ hết.
Nhưng đây là lần đầu tiên, đối tượng bị luận tội là một tổng thống đã nhờ nước ngoài can dự để giúp mình có lợi thế tranh cử - hành vi được cho là phù hợp với “trọng tội và hành vi phi pháp", căn cứ mà những người sáng lập nước Mỹ đặt ra cho việc luận tội.
Chỉ vài ngày sau tuyên bố luận tội, các nghị sĩ trong quốc hội và các kênh truyền hình cánh tả, cánh hữu đã “so găng”, chia làm hai phe thân Trump - Cộng hòa và chống Trump - Dân chủ.
Đảng Dân chủ buộc phải thuyết phục được 20 nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện về phe luận tội, thì mới có thể cách chức ông Trump. Tất nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa không thích ông Trump, nhưng họ cũng e sợ, chừng nào ông còn được lòng các cử tri trong quận của mình.
Dù vậy, ít ra là đối với một số nghị sĩ Dân chủ, động thái luận tội cũng có thể coi là sự trừng phạt. Từ lâu họ luôn bất mãn với ông Trump vì đã xúc phạm đảng Dân chủ, xóa bỏ các thành tựu thời Obama, đe dọa đóng cửa chính phủ, tiếp xúc mờ ám với Nga và thi hành các chính sách nặng tay như giam giữ trẻ em ở biên giới Mexico.
Chính trị Mỹ vẫn nặng nề đảng phái; nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, bầu không khí trở nên độc hại hơn bao giờ hết. Chính trường và đất nước Mỹ cũng đang chia rẽ hơn bao giờ hết.
Và rõ ràng, "cơn ác mộng dài" của nước Mỹ chỉ tạm dừng. Giờ đây, nó đã trở lại Washington.