Từ Osaka đến DMZ, TT Trump 'chiếm lấy' hội nghị G20, làm lu mờ ông Tập

Chuyến thăm của ông Trump đến DMZ đã làm lu mờ chuyến thăm gần đây của ông Tập tới Triều Tiên và biến hội nghị thượng đỉnh G20 thành mở màn cho sự kiện chính: gặp ông Kim Jong Un.

Mặc dù lời mời trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 29/6 trông như tự phát, nhiều dấu hiệu cho thấy ông đã luôn tưởng tượng ra cái bắt tay ở Panmunjom như cao trào trong chuyến đi châu Á của mình.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, khi cả thế giới nín thở trước cuộc gặp quan trọng giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả ông Tập, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lẫn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều không thể xác định được tham vọng thực sự của tổng thống Mỹ.

Tâm điểm của ông Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka cuối tuần trước đã chuyển sang ông Kim Jong Un, ông Donald Trump và ông Moon Jae In tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Nikkei/Reuters.

Tâm điểm của ông Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka cuối tuần trước đã chuyển sang ông Kim Jong Un, ông Donald Trump và ông Moon Jae In tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Nikkei/Reuters.

Kết quả là hội nghị thượng đỉnh G20 trở thành màn mở đầu cho sự kiện chính tại Khu phi quân sự chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc.

Cuộc gặp bí mật

Vài giờ trước dòng tweet hẹn gặp ông Kim, vào tối 28/6, ông Tập và ông Trump đã cùng nhau tham dự buổi dạ tiệc G20 tại nhà khách Osaka Geihinkan, trong khuôn viên của Lâu đài Osaka.

Ông Tập tới nơi trên chiếc xe chống đạn đặc biệt Hồng kỳ của mình, lần đầu tiên được đưa tới Nhật Bản. Ông Trump tới nơi trên Cadillac One, hay còn được gọi là "Quái thú".

Từ khi họ đến lâu đài cho đến bữa tối, có một khoảng thời gian ngắn để hai nhà lãnh đạo nói chuyện.

"Tôi ở cùng ông ấy đêm qua. Thực sự rất nhiều thứ đã được hoàn thành tối qua. Mối quan hệ với Trung Quốc đang rất tốt", ông Trump bóng gió về cuộc gặp bí mật.

Theo Nikkei Asian Review, trong khi hai nhà lãnh đạo đang ở trong lâu đài, hai nhà đàm phán thương mại của họ đã gặp lại nhau tại khách sạn sang trọng Imperial Hotel Osaka của ông Trump. Dưới sự bảo mật tối đa, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã vào khách sạn để gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

"Cuộc nói chuyện của họ kéo dài gần hai giờ", một nguồn tin tiết lộ.

"Quái thú" và xe Hồng kỳ - những chiếc xe hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc mang tới Nhật Bản để di chuyển quanh Osaka trong các sự kiện G20. Ảnh: AP.

"Quái thú" và xe Hồng kỳ - những chiếc xe hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc mang tới Nhật Bản để di chuyển quanh Osaka trong các sự kiện G20. Ảnh: AP.

Cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ giữa lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc bắt đầu ngay trước buổi trưa ngày 29/6 và kéo dài 80 phút. Nhưng kịch bản đã được dựng lên tối hôm trước.

Kịch bản kêu gọi Mỹ và Trung Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại - bị đình chỉ kể từ đầu tháng 5 - và cũng để Mỹ hoãn lại thuế quan trừng phạt gia tăng đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Mặc dù đề nghị của Trung Quốc mở rộng việc mua hàng hóa của Mỹ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là không thỏa đáng nhưng chúng đã đủ để Washington quay lại bàn đàm phán.

Với kết quả của hội nghị thượng đỉnh vào ngày hôm sau đã rõ ràng vào tối 28/6, Nikkei Asian Review nhận định ông Trump đã không cần quá quan tâm cuộc gặp với ông Tập nữa.

Và do đó, vào đầu ngày 29/6, ông Trump đã phát đi một dòng tweet.

"Nếu Chủ tịch Kim của Triều Tiên xem được, tôi sẽ gặp ông ấy tại Biên giới/DMZ chỉ để bắt tay và nói Xin chào (?)!".

Lời mời trên Twitter

Từng phút một, tổng thống Mỹ đang hình thành trong đầu hình ảnh ông trở thành tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên bước chân vào Triều Tiên.

Có thể nhận thấy sự phấn khích của ông trong bữa sáng với hoàng tử Saudi. "Tôi chỉ đưa ra thăm dò, vì tôi không biết bây giờ ông ấy đang ở đâu, ông ấy có thể không ở Triều Tiên. Nhưng tôi đã nói, nếu Chủ tịch Kim muốn gặp, tôi sẽ ở biên giới".

Dòng tweet xuất hiện vào cuối ngày hôm đó khi ông Trump gặp Tổng thống Moon của Hàn Quốc.

Cái bắt tay tại DMZ của ông Kim Jong Un và ông Donald Trump sáng 30/6.

Cái bắt tay tại DMZ của ông Kim Jong Un và ông Donald Trump sáng 30/6.

Ông Trump hỏi ông Moon: "Ông có thấy tweet của tôi không?". Ông Moon xác nhận quả quyết. Ông Trump đang có tâm trạng tốt và kêu gọi ông Moon tham gia cùng nỗ lực của ông ấy, cho ông ấy một biểu tượng ngón cái giơ lên.

Ông Trump đã nói khắp nơi về hội nghị thượng đỉnh thứ ba với ông Kim, lần này tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, bên trong Khu phi quân sự (DMZ). Ông mang theo sự háo hức tới cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập, trong căn phòng không quá rộng bên trong hội trường quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc sợ rằng nếu ông Trump và ông Moon cùng gặp ông Kim tại DMZ, ba bên sẽ bắt đầu đàm phán để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, loại trừ Trung Quốc.

Là một bên trong hiệp định đình chiến, Trung Quốc tin rằng họ nên là nhân vật trung tâm trong việc đưa cuộc chiến đến hồi kết chính thức. Nhiều binh sĩ của họ đã chiến đấu và hy sinh bên cạnh người Triều Tiên trong cuộc xung đột.

Khoảng một năm rưỡi trước, Trung Quốc cũng không vui khi sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên tiến triển với Hàn Quốc, chứ không phải Trung Quốc, với tư cách trung gian hòa giải.

Chuyển hướng sự chú ý toàn cầu

Lần này, ông Moon cũng hướng dẫn ông Trump về mặt hình thức khi tổng thống Mỹ thực hiện bước đi lịch sử sang đất Triều Tiên. Hình ảnh ông Trump, ông Kim, ông Moon đi dạo cùng nhau đã lan truyền khắp thế giới.

Trung Quốc cũng nhận ra từ trước đó rằng sự chú ý toàn cầu đã chuyển từ hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Osaka sang Bàn Môn Điếm và cố gắng thể hiện vai trò của mình.

Trong cuộc họp vào ngày 29/6 với ông Trump, ông Tập bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Triều Tiên sẽ "thể hiện sự linh hoạt và tiếp tục đối thoại càng sớm càng tốt".

Khi các sự kiện diễn ra, rõ ràng chuyến thăm của ông Trump đến DMZ đã làm lu mờ chuyến thăm gần đây của chính ông Tập tới Triều Tiên.

Có hai trợ lý của ông Trump đóng vai trò chủ chốt để hiểu chuỗi sự kiện - từ cuộc gặp bí mật với ông Tập vào tối 28/6 đến hội nghị thượng đỉnh 80 phút vào ngày 29/6 và sau đó là cuộc "vượt biên" đầy kịch tính đến đất Triều Tiên.

Họ là Ivanka Trump và Jared Kushner. Con gái của ông Trump và chồng cô, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, "là những nhân vật chủ chốt khiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc xảy ra", một nguồn tin cho biết. "Đặc biệt là Kushner".

Các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Ivanka Trump và Jared Kushner, con gái và con rể của ông Trump, cũng có mặt tại DMZ vào ngày 30/6. Ảnh: Reuters.

Các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Ivanka Trump và Jared Kushner, con gái và con rể của ông Trump, cũng có mặt tại DMZ vào ngày 30/6. Ảnh: Reuters.

Trong chuyến đi này, ông Trump đã xoay xở để bắt đầu lại hai cuộc đàm phán: đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc và đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều Tiên.

Nikkei Asian Review nhận định trong cả hai trường hợp, ông Trump chỉ đơn thuần trì hoãn. Ông không đạt được bất cứ điều gì có thể tiến tới giải quyết sự khác biệt thương mại của Mỹ với Trung Quốc hoặc làm sáng tỏ sự bất đồng lớn với Triều Tiên về "phi hạt nhân hóa".

Nhưng giờ ông Trump đang hạnh phúc. Dù tốt hay xấu, ông đã thống trị hội nghị thượng đỉnh G20.

Tuyết Mai
Theo Nikkei Asian Review

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-osaka-den-dmz-tt-trump-chiem-lay-hoi-nghi-g20-lam-lu-mo-ong-tap-post963681.html